Cách ra đề mở ở những bài nghị luận xã hội luôn là đề tài khiến nhiều người bàn tán, xôn xao. Mới đây, đề thi học sinh giỏi Ngữ văn lớp 12 trường THPT Phan Đình Phùng (Đắk Lắk) tiếp tục đi vào "vết xe" đó, tạo nên một cuộc tranh luận vô cùng thú vị, hào hứng trên nhiều trang mạng lẫn nhóm cộng đồng.
Đề bài rất ngắn, chỉ vỏn vẹn 3 từ ngắn gọn "Bạn màu gì?" nhưng chiếm đến 40% điểm số của bài thi chọn học sinh giỏi môn Ngữ văn.
Với đề bài này, không chỉ đòi hỏi sự vận dụng từ ngữ mà từng lập luận, kiến thức nền, khả năng sáng tạo lẫn cảm thụ cá nhân... được vận dụng để làm dẫn chứng cho bài viết sẽ giúp người chấm đánh giá chính xác về khả năng của học sinh hơn. Tuy nhiên, đây là đề bài được chọn cho kỳ thi học sinh giỏi văn, vì thế tiêu chí chấm điểm chắc chắn sẽ khác, khắt khe cũng như kỹ lưỡng hơn.
Tài khoản Nguyễn Vĩ Khang dí dỏm nhận xét: "Sao đề này dễ thế nhở?! Mình là người Việt Nam, máu đỏ da vàng. Ghi 4 chữ cái là được 8 điểm rồi!".
Tuy nhiên, cũng không ít bình luận đã phân tích rất kỹ màu sắc bản thân lựa chọn, như: "Mỗi chúng ta thuở ban sơ đều là màu trắng. Màu trắng biểu hiện cho sự thuần khiết, tinh túy và trong trẻo, chưa có vết nhơ hay điểm gì đặc sắc trong cuộc đời. Dần dà, thời gian sẽ tô điểm thêm cho ta những sắc màu, có thể rực rỡ, có thể tối tăm. Nhưng bất kể là màu gì đi nữa, chúng đều thể hiện được chính con người của ta. Thế đấy, không có ai hoàn toàn là một màu trong suốt hành trình cuộc đời của mình, vì mỗi người đều có những điểm tốt, xấu khác nhau".
Trong khi đó, cô Hoàng Thị Kiều Trang - tổ trưởng tổ Ngữ văn của trường THPT Phan Đình Phùng - cho hay, cô đã chọn ra đề theo hướng mở với mục đích giúp học sinh thể hiện rõ nhất giá trị bản thân, qua những góc nhìn riêng của mỗi người.
Vì là dạng đề mở, nhiều thí sinh cũng rất thích và phản hồi lại với cô. Tuy nhiên, đề càng ngắn càng đòi hỏi nhiều, thế nên thực tế là khó, chứ không phải dễ.
Thế nên, nhiều bình luận cũng cho hay: "Đọc vào thì vỏn vẹn vài từ thôi, nhưng làm không khéo là "bay màu" luôn chứ chẳng chơi!".
Theo đánh giá của cô Kiều Trang, cô ấn tượng nhất bài thi đạt 7/8 điểm ở câu nghị luận xã hội này. Đồng thời, thí sinh này cũng giành được vị trí cao nhất của khối 12 với điểm số 16,5 điểm ở môn Ngữ văn với cách nhìn nhận vấn đề sâu sắc, lập luận tốt.
Trong mắt nhiều người, môn Văn có thể là môn của những suy nghĩ bay bổng, hay sướt mướt. Tuy nhiên, đây là bộ môn thực sự đòi hỏi những góc nhìn đa chiều ở một vấn đề, theo lối tư duy logic, hợp lý trên nền tảng vận dụng từ ngữ, câu cú tiếng Việt. Thế nên, những đề thi dạng mở này sẽ giúp học sinh khơi gợi được cảm xúc cũng như có nhiều lối thể hiện hơn theo văn phong thông thường.
>> Xem thêm: 'Cười xỉu' với bài văn tả bố bụng to, trán dô, bị vợ mắng suốt ngày
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận