Năm nay, bất ngờ lại rơi vào câu đầu tiên (2 điểm) trong đề thi tốt nghiệp THPT môn văn. Vượt ra ngoài dự đoán về chuyện hỏi về “hoàn cảnh, nhan đề, tiểu sử” của một tác phẩm văn học nước ngoài, đề ra về văn học Việt Nam và ra theo hướng mở hỏi về một chi tiết cuối truyện Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu. Để trả lời được câu hỏi, học sinh phải đọc kỹ và hiểu tác phẩm, biết cách lựa chọn và vận dụng các chi tiết. Nếu những học sinh biết cách vận dụng kiến thức thở phào khi ra khỏi trường thi thì nhiều học sinh khác đã phải bật khóc.
Đáng chú ý hơn, ở câu 2 (3 điểm) - câu nghị luận xã hội, đề thi về hình thức không tạo một sự thay đổi ngoạn mục như nhiều người mong chờ, nhưng thực tế nó đã đưa ra một chủ đề gần gũi với học sinh. Đề thi yêu cầu học sinh viết về suy nghĩ của mình khi đứng “trước nhiều ngả đường đi đến tương lai, chỉ có chính bạn mới lựa chọn được đúng con đường cho mình". Đề thi đã đánh đúng vào những băn khoăn của thí sinh đang ngồi trong phòng thi tốt nghiệp. Nó có thật với chính đối tượng dự thi chứ không xa vời, không yêu cầu thí sinh phải tưởng tượng. Vì vậy, thí sinh sẽ dễ thể hiện suy nghĩ hơn là một chủ đề chung chung buộc các bạn phải bày tỏ những suy nghĩ gò ép và khuôn mẫu. Cách hỏi của câu hỏi này gần như ít được các thầy cô giáo chú trọng ôn tập.
Đổi mới thi cử, đổi mới cách ra đề để tác động đến việc đổi mới phương pháp dạy và học là một hướng đi đúng, trong đó có lẽ ngữ văn là môn có thể đi tiên phong. Trong ba kỳ thi tốt nghiệp gần đây, đề văn luôn được đánh giá là hay, lạ và ít nhiều bất ngờ. Nhưng nhìn vào kết quả làm bài thi của học sinh sẽ thấy tư duy học văn của phần đông học sinh phổ thông vẫn chưa có sự chuyển biến rõ rệt.
Điều này cho thấy để thay đổi một lối mòn là vô cùng khó. Nhưng trọng trách này chỉ đặt lên vai những người ra đề thì quả là quá sức. Nếu tinh ý sẽ thấy trong đề thi văn năm nay, dù câu 1 bất ngờ, câu 2 cũng không dễ “chém gió” nhưng hai câu này chỉ chiếm 50% điểm số. Phần còn lại dành cho những câu hỏi theo cách truyền thống, nội dung kiến thức nằm trong phạm vi nhiều thầy cô và học sinh phán đoán.
Như vậy, với cách dạy và học “truyền thống” vẫn cứu được đa số học sinh trung bình, nếu các em ôn tập chăm chỉ. Dè dặt, nhích từng tí một là cách mà các nhà giáo dục đang làm, vì không thể quyết liệt hơn khi thực trạng dạy học vẫn giậm chân tại chỗ. Không ít giáo viên sau buổi thi đầu tiên đã thấm thía về sự hạn chế của cách dạy ‘truyền thống” khi học sinh của mình phải cắn bút, bị mất điểm vì một câu hỏi “chỉ bất ngờ mà không quá khó”. Để sự thấm thía này chuyển biến thành hành động, thành quyết tâm thay đổi cách dạy, cách đánh giá học sinh hay không vẫn còn một khoảng cách dài.
Tuy nhiên, dẫu sao với không ít thí sinh, câu hỏi về những trăn trở của học trò trước ngã ba đường, hỏi về mục đích sống của tuổi trẻ đã gắn rất sát với hoàn cảnh, tâm sinh lý của học sinh lứa tuổi này. Nó không còn là câu hỏi dành riêng cho những thí sinh đang ngồi trong phòng thi mà còn là của tất cả những ai đang đứng trước những ngã rẽ của cuộc đời.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận