Tô bánh canh thơm phức, cay cay với bạch tuộc, tôm, trứng, và nước chấm ớt xanh độc đáo
Điều ngạc nhiên đầu tiên đối với Tèo là bánh canh quán này được làm hoàn toàn thủ công, khách vào chủ quán mới ép bột và xắt thành từng sợi.
Sợi bánh làm từ bột mì, ăn vừa giống loại mì dai giòn của người Hoa, vừa giống mì Ý, vừa giống mì Udon (có người bảo giống mì Ramen) Nhật Bản.
Hẳn quán có công thức pha trộn riêng nên ngoài hương vị đặc trưng của bột mì nguyên chất, sợi bánh còn có độ dẻo, dai, mịn và béo ngậy vừa phải, tự nhiên.
Chưa tới ba phút ngồi đợi chủ quán làm bánh mà tuyến nước bọt của Tèo phải làm việc liên tục vì cái sự ngào ngạt đang tỏa ra từ nồi nước lèo thơm lừng!
Rồi sự chờ đợi nào cũng được đền đáp. Tô bánh canh với những khúc bạch tuộc to, múp míp, tươi ngọt (Tèo ăn nhiều lần rồi mới dám "phán" câu này) cùng con tôm sú, quả trứng cút (hoặc trứng ốp-la, tùy chọn).
Điểm thêm lá xà lách xanh um được dọn ra chiếc bàn tre mộc mạc với lủ khủ gia vị kèm theo: nào là chanh ớt xắt miếng, bột ớt khô, chai nước mắm mặn, nước tương, và nhất là chén nước chấm ớt xanh nho nhỏ.
Sợi bánh được làm thủ công
Nhân tiện, Tèo "bật mí" luôn là giá một tô như thế sẽ làm bạn rất bất ngờ và hài lòng.
Sau nhiều lần thưởng thức món này, Tèo tự kết luận rằng, dù bột bánh, nước dùng, cách thức nêm nếm tất thảy đều được chủ quán chế biến một cách công phu, nhưng chính loại nước chấm ớt xanh này kết hợp với cái dai giòn sần sật của từng miếng bạch tuộc khi nhai mới làm nên món bánh canh bạch tuộc "không đụng hàng", nói theo ngôn ngữ của nhỏ Tám.
Điều thú vị kế tiếp là sự… "quê" của Tèo ở lần đầu tiên (cười). Số là, dù thằng Năm, nhỏ Tám khăng khăng bảo quán tuy đơn sơ, nhỏ hẹp nhưng nằm trên trục đường chính nên rất dễ tìm, thế mà Tèo tôi phải đáo qua đáo lại đến 4-5 vòng mới "định vị" được tọa độ.
Thì ra, quán nằm trên đường Yersin, giữa hai địa điểm tâm linh nổi tiếng đất Bình Dương là Chùa Bà Thiên Hậu (nổi tiếng với lễ hội Rằm tháng Giêng) và Chùa Hội Khánh (có tượng Phật nằm dài nhất Việt Nam), hay chính xác hơn là đối diện Bệnh viện Y học Cổ truyền Bình Dương, dưới tán một cây mận sum suê, mát rượi.
Tuy nhiên, cái sự tẽn tò của Tèo không dừng lại ở đó. Lần đầu tiên ấy, tìm được quán vào khoảng hơn 7 giờ tối. Tèo xăng xái dắt xe tiến vào, để rồi nghe: "Dạ, quán nghỉ rồi anh ơi! Mai anh đến sớm hơn nghen!".
Sau này, Tèo biết quán chỉ bán từ 4 giờ chiều cho tới khi nào hết… 30 tô thì thôi, nên vào những ngày đông khách, chỉ 2-3 tiếng là hết. À há! Mà cái "phiên bản giới hạn" 30 tô mỗi ngày cũng có lý do của nó. Tèo sẽ kể tiếp ngay sau đây.
Điều thú vị cuối cùng Tèo chỉ vô tình biết được vào một chiều nọ khi quán bất ngờ đông đúc: những 9 khách cùng lúc! Sân quán nhỏ chỉ có 2 bàn với 4 chiếc ghế tre giản dị nên Tèo được xếp vào… phòng khách trong nhà (do là khách quen nên được ưu ái).
Quán nhỏ đơn sơ dưới tán cây mận sum suê
Wow! Nhờ vậy mà Tèo có dịp tìm hiểu "nội tình" quán qua những bức ảnh gia đình treo tường và tỏ rằng bên dưới căn nhà nhỏ đơn sơ này là một "cái lò" từng sản sinh ra một tiến sĩ (Nhật), hai thạc sĩ (trong nước), và sắp sửa có thêm một tiến sĩ, một thạc sĩ nữa "ra lò" - theo lời cô em gái xinh xinh, hay chuyện của anh chủ quán.
Và, vị thạc sĩ tương lai ấy chính là anh chủ quán có gương mặt khắc khổ nhưng có nét giống trai Hàn kiểu K-Pop celebs (sau lần đó Tèo mới để ý thấy nha!).
Sở dĩ quán bán với số lượng giới hạn (và nghỉ chủ Nhật) là để anh ấy theo đuổi việc học. Hy vọng sau khi nhận bằng, anh chủ quán sẽ bán nhiều hơn chút và trễ hơn chút mỗi ngày để ông bà, cô bác, anh chị, bồ tèo gần xa có dịp thưởng thức món bánh canh bạch tuộc đặc sắc khi đến/về Bình Dương quê tôi.
Nghĩ Tèo tôi cũng ích kỷ thật! Một khi đã xong thạc sĩ thì anh ấy sẽ làm gì đó đúng ngành nghề hơn, tạo ra giá trị cao hơn chứ! Ở đó mà bán bánh canh cho Tèo ăn hoài!
Mới hay, cuộc sống thay đổi từng ngày. Mọi hiểu biết của ngày hôm qua có thể làm ta trở nên ngờ nghệch hôm nay. Tèo cứ nghĩ mình là "thổ địa" các món ngon đất Thủ, ai dè chỉ là ếch ngồi đáy giếng.
Còn nhiều món ngon chưa được "điểm danh" không chỉ ở vùng đất Thủ hiền lành, hiếu khách của Tèo, mà còn rất, rất nhiều món ngon khác từ khắp mọi miền đất nước. Và, đằng sau mỗi món ngon là những dư vị làm ta nhớ mãi.
Cũng như trong câu chuyện này, ẩn trong từng sợi bánh canh, từng giọt mồ hôi, mỗi vá nước lèo là một mục tiêu đáng trân trọng. Chúc anh chủ quán mến thương những điều tốt đẹp nhất!
Mời bạn đọc tham dự Diễn đàn Món ngon của tôi
Bài viết tối đa khoảng 1.000 chữ, kèm hình ảnh (clip nếu có), và gửi về email [email protected]. Các bài viết được đăng sẽ được trả nhuận bút!
Diễn đàn do báo Tuổi Trẻ tổ chức, với sự đồng hành của Công ty Nutifood.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận