02/12/2007 08:02 GMT+7

Đề tài nông thôn không bao giờ mòn!

CAO VIỆT thực hiện
CAO VIỆT thực hiện

TT - Là người gắn bó với đề tài nông thôn từ các truyện ngắn, những trang tiểu thuyết, nhưng nhà văn Phạm Ngọc Tiến lại được công chúng biết đến nhiều hơn cả vẫn là từ các kịch bản phim truyền hình.

6ZFyVRvK.jpgPhóng to

Nhà văn Phạm Ngọc Tiến

TT - Là người gắn bó với đề tài nông thôn từ các truyện ngắn, những trang tiểu thuyết, nhưng nhà văn Phạm Ngọc Tiến lại được công chúng biết đến nhiều hơn cả vẫn là từ các kịch bản phim truyền hình.
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Không chỉ có Ma làng, trước đó nhà văn Phạm Ngọc Tiến đã có các kịch bản như Chuyện làng Nhô (4 tập) chuyển thể từ tiểu thuyết Kẻ ám sát cánh đồng của nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Đất và người (24 tập) - cùng viết với nhà văn Khuất Quang Thụy, chuyển thể từ tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma của nhà văn Nguyễn Khắc Trường, mới đây nhất là Gió làng Kình (24 tập - đang bấm máy) chuyển thể từ tiểu thuyết Những trận gió người của chính mình. Tất cả đều đề cập những vấn đề rất gai góc của nông thôn từ trước khoán 10, sau đổi mới đến hiện tại.

* Tại sao ông dành sự quan tâm đặc biệt đến như vậy với mảng đề tài về nông thôn?

- Mặc dù là người thành phố, nhưng tôi luôn cho rằng cái gốc của mình vẫn là người nông thôn. Đất nước ta là một nước nông nghiệp, phong tục tập quán dù là người thành thị vẫn mang nặng dấu ấn nông thôn. Bên cạnh đó, chất dân dã của người nông dân tạo nên diện mạo cho nhân vật có những tính cách riêng biệt, điển hình, sinh sắc. Hình thái sinh hoạt của nông thôn dễ đưa vào tác phẩm. Nếu làm nhuần nhuyễn sẽ có tính thuyết phục về sự chân thực. Đề tài nông thôn cũng chứa nhiều vấn đề trong đó như nhân sinh, đổi đời, băng hoại đạo đức… Nếu thật sự quan tâm đến đề tài nông thôn thì có nhiều chuyện để nói.

* Liệu sự khai thác liên tục này có nhanh chóng làm cạn kiệt đề tài và đi vào lối mòn hay không?

- Với tôi, đề tài về nông thôn không bao giờ cạn kiệt, không bao giờ cũ. Cũ hay không là do cách nhìn, tài năng, tâm huyết của tác giả. Khi anh không còn nhận thức về nông thôn, anh sẽ cạn kiệt từ chính bản thân anh. Khi anh ngừng bước, anh sẽ bị đào thải. Tôi tự biết mình cần dừng lại lúc nào. Có thể có lối mòn của một tác giả, một nhóm tác giả… Nhưng tôi khẳng định đề tài không bao giờ mòn. Quan trọng là bản thân anh tái tạo hiện thực ra sao.

cymWGdg8.jpgPhóng to
Trong Gió làng Kình, Công Lý vào vai Khoái (trái) kiểu nhân vật như Quềnh
* Vậy bản thân ông đã tái tạo thế nào để tránh sự lặp lại, cũ mòn mà vẫn thuyết phục được người xem?

- Tôi luôn nhìn nhận vấn đề ở góc độ mới, riêng biệt, cần phải đặt mình là người trong cuộc của tất cả mọi sự đổi thay. Có nhiều việc rất cần phải làm, chẳng hạn như tính thời điểm, độ nhạy cảm của từng vấn đề với những liều lượng phản ánh, xu thế đời sống…nhưng quan trọng nhất vẫn là thái độ sống của anh thế nào. Một kịch bản chỉ có thể đạt được độ chân thực khi tác giả của nó dám sống và viết với tất cả sự chân thành.

* Sau khi chuyển thể từ tác phẩm văn học sang kịch bản phim, các tác giả văn học đã có phản ứng ra sao?

- Khi chuyển thể tiểu thuyết Kẻ ám sát cánh đồng, ông Nguyễn Quang Thiều đã dành nhiều lời tốt đẹp cho tác giả kịch bản. Sang Mảnh đất lắm người nhiều ma, nhà văn Nguyễn Khắc Trường không phản ứng trực tiếp, nhưng có trả lời trong một bài phỏng vấn là tinh thần của nhân vật trong tiểu thuyết khác với tinh thần của nhân vật trong kịch bản, cụ thể ở đây là nhân vật Quềnh. Tôi đã tìm đến nhà văn, nói với ông rằng nếu sử dụng Quềnh như trong tiểu thuyết thì nhân vật sẽ không có vai trò gì.

Nhưng với phim, Quềnh là nhân vật hoạt náo, làm giãn phim nên hết sức cần thiết. Do đó cần xây dựng một nhân vật Quềnh mới. Sau khi nói chuyện, nhà văn đã vui vẻ đồng tình. Còn với kịch bản Ma làng (tôi viết chung với đạo diễn Nguyễn Hữu Phần), nhà văn Trịnh Thanh Phong rất thích và hoan nghênh, ông cũng là người thấu hiểu những khác biệt từ tác phẩm văn học đến kịch bản.

* Qua từng bộ phim, người xem thấy các nhân vật như Trịnh Khả (Chuyện làng Nhô), Quềnh (Đất và người), Tòng, Dỏ (Ma làng) rất sống động, bước từ màn hình đi vào đời sống. Điều đó ít phim làm được, và có thể coi như vậy là thành công trong việc xây dựng nhân vật. Ông có bí quyết gì không?

- Tôi luôn luôn xác định cần xây dựng nhân vật với những tính cách tiêu biểu của họ. Không có gì là lạ khi các nhân vật đó bước ra từ màn hình đi vào đời sống vì họ rất có bản sắc và sống động. Một tác phẩm mạnh chính là ở nhân vật. Tôi có thuận lợi là các nhà văn đã xây dựng rất thành công các nhân vật trong tiểu thuyết của họ. Một tác phẩm thành công là do có những nhân vật với tính cách đa diện trước đời sống. Trong kịch bản, tôi luôn chú trọng xây dựng từ một đến hai nhân vật hội tụ ở đó những thân phận rất đặc biệt như thế.

* Gió làng Kình - kịch bản mới nhất của ông - có gì khác biệt với những người anh em của nó?

- Không khác biệt nhiều, vẫn môtip ấy, vẫn câu chuyện ấy loanh quanh vẫn trong làng ngoài xóm, chuyện họ chuyện hàng, chuyện tốt chuyện xấu, chuyện quyền chuyện lực, vẫn những con người ấy, vẫn là Quềnh, Dỏ, Khả, Tòng… bây giờ thay bằng Khoái, bằng Khuếnh, bằng Bát, bằng Quých… Thậm chí gần như nguyên êkip làm phim của Ma làng có mặt. Nhưng đó sẽ là một phim hoàn toàn khác với những vấn đề của nông thôn ngày hôm nay. Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần - người tôi tin tưởng và kính trọng - sẽ thực hiện phim này, phim thứ ba trong vệt bốn phim nông thôn của tôi và cũng là phim cuối cùng trước khi ông về hưu.

CAO VIỆT thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên