Nicki Minaj gây choáng vì màn biểu diễn Roman Holiday
1. Năm 2012, Nicki Minaj trở thành nữ rapper đầu tiên được mời biểu diễn tại lễ trao giải Grammy 2021. Cô chọn bản rap Roman Holiday và tạo nên một màn trình diễn trong đó cô vào vai một người phụ nữ bị ám bởi một bản ngã thay thế nên phải tham gia một nghi lễ trừ tà.
Trên sân khấu, Nicki Minaj bị trói quằn quại nơi bệ cao, phía dưới là những vũ công múa may hoang dại trong trang phục của linh mục.
Màn trình diễn mang hơi hướm dị giáo ấy bị Liên đoàn Công giáo cho là xúc phạm tới họ, còn nhà sản xuất của Grammy phân trần rằng ban tổ chức không muốn giới hạn sự sáng tạo của các nghệ sĩ.
Nicki Minaj không phải nghệ sĩ duy nhất chạm tới những chủ đề tôn giáo nhạy cảm. Madonna, Lady Gaga, Kanye West, Lil Nas X đều từng gây nhức nhối với tín đồ Thiên Chúa.
Nhưng vì sao tác phẩm của họ, sau rốt, vẫn được thừa nhận, thậm chí được tụng ca? Đó là bởi chúng trước hết là một sản phẩm nghệ thuật.
Lady Gaga với Judas
Đây là sự khác nhau cơ bản giữa Roman Holiday của Nicki Minaj, Judas của Lady Gaga hay Montero của Lil Nas X so với những bản rap lấy chủ đề Phật giáo của rapper Chí (nhóm Rap Nhà Làm) đang gây phẫn nộ ở Việt Nam.
Khán giả không thể không trầm trồ trước màn biểu diễn tựa như một vở opera rap kịch tính hay một phiên bản "Bohemian Rhasody" của hiphop mà Nicki Minaj đem lên sân khấu.
Và khi xem những vị tông đồ của Chúa Jesus bị cải biên thành những tay đua xe phân khối lớn trong MV Judas, ta không thấy phản cảm là bởi nó nổi loạn một cách có dụng ý, nó "báng bổ" một cách đầy lớp lang.
Trong khi đó, nghe bản rap Thích Ca Mâu Chí, ta không hiểu được tại sao phải có ca khúc ấy. Nó tục tĩu vì nó phẳng lì, nó gây cảm giác thô bỉ vì thiếu đi một ý niệm, trong khi nghệ thuật không hẳn là cái ta làm, mà là cách ta làm.
Nhóm Rap nhà làm sám hối trước tôn tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tại chính điện chùa Quán Sứ - Ảnh: Giáo hội Phật giáo Việt Nam
2. Oscar Wilde, một nhà duy mỹ chủ nghĩa, nói rằng: "Không có sách đạo đức hay phi đạo đức, chỉ có sách hay hay dở mà thôi", mở rộng ra cũng có thể hiểu rằng: Không có tác phẩm đạo đức hay phi đạo đức, chỉ có tác phẩm hay hay dở mà thôi.
Bởi sự hay, tức cái đẹp, tự nó đã là một loại đạo đức. Cho nên Thích Ca Mâu Chí không tồi tệ vì nó chạm tới chủ đề tôn giáo, mà vì nó là một bản rap hoàn toàn dở tệ. Trước khi là sự xúc phạm với tôn giáo thì nó là sự xúc phạm với đạo đức của cái đẹp.
Trường hợp của rapper Chị Cả, người từng được ví như "quái nhân" của chương trình thực tế King of Rap 2020, cũng tương tự vậy.
Censored của anh bị tẩy chay không hẳn vì nó chạm đến một đề tài cấm kỵ như loạn luân, mà bởi tác giả của nó giống một anh thủy thủ non nớt, mới chân ướt chân ráo bước lên con tàu lớn nhưng đã lăm le lèo lái một đề tài quá sức mình.
Trăm năm cô đơn của Gabriel García Márquez
Ngược lại, có ai thấy ghê tởm khi đọc Trăm năm cô đơn của Gabriel García Márquez, cuốn sách mà có người đùa rằng nên gọi là trăm năm loạn luân của gia tộc Buendía?
Cũng không ai thấy Kafka bên bờ biển, cuốn tiểu thuyết xác lập Haruki Murakami như tiểu thuyết gia quan trọng đương thời, có vấn đề, dù nó đầy phức cảm Oedipus.
So với Junichiro Tanizaki - một trong những văn hào lớn nhất thế kỷ 20 của Nhật Bản đang được giới thiệu rộng rãi trên thị trường văn học dịch ở Việt Nam - thì độ gây sốc của nhiều người sáng tác khác chẳng là gì.
Chỉ khác ở chỗ, Tanizaki suy đồi, song ngay cả sự suy đồi ấy cũng không vi phạm đạo đức của cái đẹp.
Còn trong âm nhạc, nhạc sĩ huyền thoại Serge Gainsbourg cùng con gái từng ra mắt bản nhạc Lemon Incest với phần giai điệu dựa trên một bản Étude của Chopin. Dù với chủ đề cấm kỵ, ca khúc vẫn thành công tột bực tại Pháp vào thời điểm đó.
Márquez, Gainsbourg và Murakami
3. Nói cho cùng, cũng chỉ có những bậc thuyền trưởng đại tài cỡ Márquez, Gainsbourg hay Murakami mới có thể vượt qua đại dương dữ tợn để đưa những đề tài thách thức đi đến đích.
Còn với những ai chưa đủ sự điêu luyện, chưa đủ tâm thức của một vị thuyền trưởng thì tốt nhất là không nên manh động trong phút bồng bột muốn chứng tỏ mình, vì nhiều khả năng sẽ chỉ đâm đầu vào vách đá mà thôi.
Hai rapper bị phạt 80 triệu đồng
Chiều 14-10, rapper Chị Cả (tên thật: Đinh Thanh Tùng) đã nhận quyết định xử phạt hành chính 35 triệu đồng vì hành vi lưu hành sản phẩm Censored có nội dung trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Ngày 13-10, rapper Chí (tên thật là Lê Vũ An) của nhóm Rap Nhà Làm cũng nhận quyết định xử phạt hành chính 45 triệu đồng vì đã lưu hành bản ghi âm Thích Ca Mâu Chí có nội dung xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo.
Rapper Chị Cả
Cả hai rapper cũng bị buộc tiêu hủy sản phẩm, gỡ bỏ hai bản rap khỏi các nền tảng mạng xã hội. Quyết định được ký bởi chánh thanh tra Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Phạm Cao Thái.
Trước đó, một làn sóng chỉ trích nặng nề trên mạng xã hội đã nhắm vào bản rap Censored của Chị Cả vì những lời lẽ dung tục, cổ xúy loạn luân.
Áp lực từ công chúng đã khiến rapper này phải đăng lời xin lỗi khán giả trên trang cá nhân vào khuya 5-10 vì đã không chọn lọc ngôn từ khi sáng tác bài rap Censored.
Dư luận cũng lên án bản rap Thích Ca Mâu Chí và hôm 6-10 nhóm Rap Nhà Làm đã đến xin lỗi Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
THIÊN ĐIỂU
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận