Nhằm góp thêm một góc nhìn, Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu ý kiến sau.
"Tôi còn nhớ vấn đề này đã được đặt ra từ vài năm nay vì năm nào cũng vậy, học sinh giỏi hầu như , người tài đổ xô hết vào các trường tốp trên.
Kỳ thi tuyển sinh năm 2016 đã chứng kiến điểm chuẩn vào trường sư phạm khá khiêm tốn: 96 mã ngành đào tạo phần lớn có điểm chuẩn từ 16-22. Năm nay, một lần nữa bức tranh xét tuyển ấy vẫn đang xám xịt với những con số “là là mặt đất”. Tuyển sinh đại học theo kiểu “vơ bèo vạt tép” đối với một ngành đặc thù như thế thật sự nguy hiểm!
Nếu đã xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu, là nền tảng cho sự phát triển bền vững của một quốc gia thì tại sao lại tồn tại nghịch lý: điểm chuẩn trường y khoa, quân đội, công an cao ngất ngưởng, thậm chí “vượt trần”, còn ngành sư phạm lại “chạm đáy”? Việc tuyển chọn, sàng lọc, đào tạo sinh viên của bất kỳ ngành nghề nào cũng cần được phát triển tương đương.
Vậy mà chất lượng đầu vào của các trường sư phạm lại rất chông chênh và không ai dám đảm bảo chất lượng “sản phẩm” cuối cùng sẽ tiềm năng, ổn định!
Người ta đã phân tích nhiều nguyên nhân liên quan đến việc người giỏi “né” giảng đường sư phạm, trong đó phải kể đến việc lương thưởng và các chế độ đãi ngộ còn hạn chế, khối lượng công việc cao với áp lực lớn,…
Một nguyên nhân khác quan trọng không kém chính là tình trạng thất nghiệp hiện nay với những con số thống kê khủng đang cản bước chân nhiều sĩ tử muốn đến với giấc mơ phấn trắng bục giảng.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và đào tạo năm 2014, cả nước dư thừa khoảng 35.000 giáo viên bậc THCS và THPT. Thống kê khác vào năm ngoái dự đoán vào năm 2020 sẽ có khoảng 70.000 cử nhân sư phạm thất nghiệp. Bài toán thất nghiệp, dư thừa giáo viên vẫn chưa có lời giải rõ ràng, thuyết phục. Vậy nên ước mơ kéo người tài về với sư phạm còn mãi xa vời!
Công tác tuyển sinh và đào tạo ở các trường sư phạm hiện nay vẫn còn ồ ạt và tràn lan. Hằng năm, số lượng cử nhân “xuất xưởng” đều đều trên cả nước trong khi chỉ tiêu tuyển dụng lại hạn chế dẫn đến tình trạng bằng sư phạm “chưng tủ kiếng”, còn chủ nhân thì xoay xở với đủ nghề khác nhau. Sự bão hòa về số lượng giáo viên cũng như việc tuyển dụng “nhỏ giọt” ở nhiều địa phương đã đánh động tâm lý của nhiều gia đình khi con em đứng trước ngưỡng cửa đại học.
Chưa tốt nghiệp đã mơ hồ về viễn cảnh thất nghiệp, thử hỏi đâu ai muốn “chui vào bụi rậm” làm khó mình và khổ gia đình?! Giữa một ngành nghề gần như “đóng băng” trong tuyển dụng và một thị trường lao động đang “hot”, sôi động, hấp dẫn, đầy tiềm năng của các ngành nghề khác như thế, thí sinh sẽ không mất nhiều thời gian để lựa chọn và chuyển hướng nguyện vọng!
Thực tế là cơ quan chủ quản vẫn đang mải “cứu” các trường sư phạm, tạo công ăn việc làm cho đội ngũ giảng viên, nhân viên, cán bộ trường đại học mà sơ sài việc giảm chỉ tiêu tuyển sinh, thậm chí dừng đào tạo đối với một số ngành quá dư thừa giáo viên. Kiến nghị ấy đã được bàn rất nhiều nhưng giảm bao nhiêu, giảm như thế nào và giảm những chuyên ngành gì thì vẫn rất mơ hồ.
Việc cấp bách bây giờ chính là cần một kế hoạch nghiên cứu tổng thể, toàn diện về nhu cầu thị trường lao động cũng như sắp xếp, rà soát đội ngũ giáo viên. Đó là bước đệm đầu tiên để tính toán chính xác những chuyên ngành sư phạm nào đang “vỡ trận” để giảm chỉ tiêu tối đa cũng như tăng cường cho những chuyên ngành đang “khát” như giáo viên mầm non và đội ngũ nhà giáo phục vụ việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa trong thời gian tới.
Siết chặt chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm chỉ là giải pháp mang tính giải vây tức thời để giải quyết số cử nhân thất nghiệp đang nhức nhối. Về lâu dài, cần quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục đào tạo. Tôi nhớ vấn đề này đã được Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đặt ra từ năm ngoái nhưng đến nay vẫn chưa thấy những “chuyển động” cần thiết tạo bước ngoặt cho giáo dục.
Khoảng 110 cơ sở đào tạo giáo viên trên cả nước cần được rà soát, sát nhập để tạo thành những trường đại học sư phạm chất lượng hơn và quyết liệt giảm quy mô đào tạo. Đó là những giải pháp căn cơ giải bài toán thất nghiệp, dư thừa giáo viên hiện nay. Và đó cũng là đòn bẩy cực kỳ quan trọng để kéo người tài về với giảng đường sư phạm!".
Bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm riêng của tác giả. Còn bạn có ý kiến gì về điều này? Mời bạn chia sẻ ý kiến ở ô BÌNH LUẬN dưới bài hoặc gởi qua email: [email protected]. Cảm ơn bạn! |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận