02/03/2012 06:46 GMT+7

Đề phòng đau ốm khi trẻ đi du lịch

TS.BS LÊ MINH KHÔI
TS.BS LÊ MINH KHÔI

TT - Du lịch, thăm thú đó đây, kể cả về thăm quê là những trải nghiệm thú vị và bổ ích cho trẻ. Tuy nhiên, nếu chuẩn bị không chu đáo khiến trẻ đau ốm trong chuyến du lịch thì quả là hết vui.

smc2RyN9.jpgPhóng to
Để hạn chế viêm hô hấp, cần giữ ấm cho trẻ đúng lúc - Ảnh: Quân Nam

Những vấn đề sức khỏe trẻ thường mắc phải khi đi du lịch xa là tiêu chảy, các bệnh dị ứng và bệnh da, sốt, viêm hô hấp và tai nạn.

Tiêu chảy

Trẻ em, đặc biệt trẻ từ 6 tháng đến 3 tuổi thường dễ bị tiêu chảy. Chính vì vậy, trước khi đi xa ba mẹ cần xem có cần phải mang theo đủ lượng sữa cho những trẻ còn bú sữa. Cần tìm hiểu thức ăn tại nơi đến có phù hợp với bé không. Đặc biệt cần ăn uống vệ sinh đảm bảo, không ăn những thức ăn nguội bày bán ở các hàng quán ven đường. Nên mang theo một ít thức ăn khô để tránh trẻ bị đói giữa đường.

Cần đặc biệt chú ý đến rửa tay, làm sạch các đồ chơi của trẻ. Cũng không nên cho trẻ ăn một loại thức ăn mới quá nhiều vì có thể gây bất dung nạp. Song những biện pháp này cũng không thể bảo vệ trẻ hoàn toàn.

Một khi trẻ bị tiêu chảy, nguy cơ lớn nhất là mất nước và lỵ trực trùng. Vì vậy cần chú ý đến các dấu hiệu nguy hiểm sau: mất nước (trẻ khát nhiều, mệt lả, mắt trũng, khóc không nước mắt, tiểu ít, niêm mạc miệng khô), phân có máu, nhiệt độ trên 38,5OC và nôn liên tục không thể bú hoặc bù dịch đường miệng được.

Nếu trẻ chỉ tiêu chảy mà không có các dấu hiệu nguy hiểm trên thì có thể bù dịch uống. Vì vậy nên mang theo các thuốc bù dịch như gói ORS hương cam hoặc viên hydrite hương dừa.

Các bệnh dị ứng và bệnh da

Cần có những khuyến cáo chính thức

Hiện nay ở các nước phát triển, cơ quan di trú và y tế đều có những khuyến cáo về những việc cần làm, những văcxin cần chủng ngừa trước khi ra nước ngoài, đặc biệt là đi đến những vùng có dịch. Tuy nhiên, ở nước ta, những khuyến cáo chính thức như vậy dường như chưa có.

Một số trẻ có thể dị ứng với thời tiết thay đổi đột ngột ở nơi đến. Số khác có thể dị ứng với phấn hoa. Cũng không loại trừ khả năng dị ứng với vật dụng ở các khách sạn hoặc xà phòng lạ. Biểu hiện dị ứng dễ nhận biết nhất là nổi mẩn ngứa trên da (mề đay).

Tuy nhiên, không phải lúc nào dị ứng cũng biểu hiện bằng mề đay mà có thể xuất hiện dưới hình thức khác như chảy nước mũi, hắt hơi, hen suyễn, tiêu chảy. Thể nặng nhất có thể gặp là sốc phản vệ, gây tử vong nhanh chóng. Nếu trẻ có ba mẹ hoặc người thân bị dị ứng, hen suyễn, cần chú ý đến khả năng này.

Kiểu “dị ứng” không kém nan giải là trẻ không chấp nhận sự thay đổi môi trường sống quen thuộc hằng ngày. Đó có thể là nệm giường không đúng như ý muốn. Cũng có thể là bữa ăn không có món khoái khẩu như ở nhà. Thậm chí nguyên nhân gây “dị ứng” chỉ là cách bài trí phòng vệ sinh lạ mắt hoặc không đủ sạch sẽ với trẻ. Không ít trẻ không chịu đi vệ sinh ở nơi lạ. Hoặc cũng có trẻ “dị ứng” với cách bày tỏ tình cảm của những người thân lâu ngày chưa gặp.

Để tránh những tình huống này, trước khi đi ba mẹ cần chuẩn bị sẵn tinh thần cho bé để khỏi phản ứng thái quá. Một khi tình huống này xảy ra, nhất định không nên ép buộc bé vì càng ép buộc trẻ càng phản ứng mạnh. Hãy kiên nhẫn giải thích, không quá lo lắng và chờ đợi sự điều chỉnh của trẻ.

Viêm hô hấp và sốt

Viêm hô hấp và nặng nhất là viêm phổi là vấn đề thường gặp ở trẻ em dù có đi du lịch hay không. Để hạn chế phần nào viêm hô hấp cần giữ ấm cho trẻ khi ra lạnh, tránh thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột. Khói thuốc lá và đám đông không có lợi cho đường thở của trẻ. Mặt khác, nếu có thể nên theo dõi địa điểm định đến có đang lưu hành dịch bệnh nào không. Nếu có và bệnh đang lưu hành là nguy hiểm thì nên cân nhắc lại điểm đến.

Sốt cũng là một vấn đề hay gặp ở trẻ khi đi chơi xa. Nếu sốt không được điều trị kịp thời có thể gây nên những biến chứng nặng nề. Vì vậy nhớ mang theo nhiệt kế và ít thuốc hạ sốt. Dễ dàng nhất là thuốc Efferalgan gói. Có nhiều hàm lượng khác nhau như gói 80mg, 150mg, 250mg, viên 500mg. Cũng nên trang bị một ít Efferalgan tọa dược (nhét hậu môn). Cách chọn hàm lượng và liều lượng dựa vào cân nặng của trẻ. Mỗi lần dùng thường 15mg/kg cân nặng. Hai lần dùng cách nhau khoảng 6 giờ.

Khi trẻ bị sốt không nên chườm đá trực tiếp lên trẻ, cũng không nên dùng cồn thoa lên da. Tốt nhất chỉ nên dùng nước mát, tẩm khăn lau khắp người trẻ.

Tai nạn

Các tai nạn thường gặp như đụng xe, té ngã, trầy sướt, côn trùng cắn hoặc đuối nước cũng thường gặp trong khi đi du lịch. Trẻ đi du lịch cần được tự do khám phá nhưng bố mẹ phải giải thích trước cho con những điều nên và không nên làm.

Quan trọng nhất là không bao giờ rời mắt khỏi trẻ. Mặt khác cần trang bị trong hành lý một ít bông băng và thuốc sát khuẩn thông thường để xử trí những vết thương nhỏ. Các bậc phụ huynh cần trang bị những kỹ năng sơ cứu tai nạn thông thường.

Và cho dù sự chuẩn bị có chu đáo đến mức nào đi nữa thì biến cố vẫn có thể xuất hiện. Trong những trường hợp như vậy cần thật bình tĩnh tìm lời tư vấn và hướng xử trí thích hợp, không nên trầm trọng hóa vấn đề.

Với thời đại thông tin hiện nay, dù ở bất cứ nơi nào chúng ta vẫn có thể liên lạc được với bác sĩ nhi khoa tin cậy của mình.

TS.BS LÊ MINH KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên