Ảnh minh họa. Nguồn: rideexpeditions.com
Bạn đã gặp người bị chấn thương mắt do côn trùng bao giờ chưa? Thực tế, nhiều người đã mất thị lực chỉ vì những con côn trùng bé nhỏ. Bạn phải làm gì để phòng tránh và điều trị khi sự cố xảy ra?
Trong những ngày hè, đặc biệt vào chiều tối, có rất nhiều côn trùng bay trong không trung. Khi đi xe máy, nếu không đội mũ bảo hiểm, đeo kính, các côn trùng có thể bay vào mắt. Với vận tốc đi xe máy từ 40 - 60 km/h, cộng với vận tốc bay của côn trùng, côn trùng sẽ trở thành một "viên đạn" có sức công phá khá mạnh đối với mắt.
Các loài côn trùng thường có rất nhiều lông, các lông tơ này có thể xuyên qua giác mạc, vào sâu trong nhãn cầu. Các dị vật này là dị vật sinh học nên kích thích rất nhiều, gây viêm nhiễm, chảy nước mắt, nhìn mờ. Hậu quả của nó rất nghiêm trọng, gây kích thích kéo dài, mắt đỏ, chảy nước mắt và làm giảm thị lực.
Khi không may bị côn trùng rơi vào mắt, cần phải đến ngay bác sỹ nhãn khoa để được khám và điều trị. Tuy nhiên, việc điều trị dị vật do lông côn trùng rất nan giải. Do lông côn trùng rất nhỏ, dài, dễ gẫy nên việc lấy dị vật ra là rất khó khăn. Nếu muốn lấy hết dị vật thì có thể làm tổn thương giác mạc trầm trọng.
Nếu không lấy được dị vật, bệnh nhân cần được điều trị bằng thuốc kháng sinh, chống viêm tích cực. Việc điều trị cần kéo dài cho đến khi quá trình viêm ổn định, để thải hết lông côn trùng.
Phòng bệnh: Do việc điều trị dị vật do côn trùng rất khó khăn, bệnh nhân bị giảm thị lực nhiều nên việc phòng bệnh là rất quan trọng. Khi đi xe máy, các bạn nên đội mũ bao hiểm có kính chắn bảo vệ mắt. Nếu không đội mũ bảo hiểm, các bạn nên đeo kính bảo vệ mắt.
Tuy nhiên, khi đeo kính đi đường ban đêm, chúng ta thường bị lóa mắt, nhất là khi có đèn pha của xe đi ngược chiều. Sau một thời gian đeo kính, chúng ta sẽ nhanh chóng quen với hiện tượng này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận