26/07/2015 09:37 GMT+7

Để phố đi bộ hấp dẫn hơn nữa...

Q.N. ghi
Q.N. ghi

TT - Sau gần ba tháng chính thức mở cửa (từ ngày 29-4-2015), phố đi bộ Nguyễn Huệ đang trở thành điểm hẹn mới không chỉ của người dân TP. Nhưng để phố đi bộ không chỉ để... đi bộ lại cần một ý tưởng của nhiều người, nhiều cấp.

Khi được hỏi về những kế hoạch để phát triển phố đi bộ, xây dựng các hoạt động văn hóa, biểu diễn trên phố đi bộ, ông Phan Nguyễn Như Khuê - giám đốc Sở VH-TT TP.HCM - cho biết:

“Phố đi bộ Nguyễn Huệ được UBND TP.HCM quản lý chung và ủy ban cũng đã có những kế hoạch để đưa phố đi bộ trở thành “chốn về” của người dân TP cũng như là điểm đến không thể thiếu của du khách. Tuy nhiên, vì vừa khánh thành không lâu nên những việc cần làm cho phố đi bộ Nguyễn Huệ, trong đó có các hoạt động giới thiệu và trình diễn văn hóa, vẫn còn rất nhiều.

Thời gian qua, UBND TP đã đề nghị các cơ quan quản lý có liên quan như UBND Q.1, Sở GTVT, Sở VH-TT, Sở DL... đề xuất các kế hoạch, hướng phát triển và hoạt động cho phố đi bộ trong tương lai. Về phía Sở VH-TT, chúng tôi cũng có những góp ý, đề xuất của mình nhưng cho phép chúng tôi tạm thời chưa thể chia sẻ vì vẫn đang đợi những góp ý của các sở, ban ngành khác cũng như chờ những hướng dẫn cuối cùng từ phía ủy ban”.

Trong khi chờ đợi, Tuổi Trẻ tạm ghi nhận một số ý kiến đóng góp từ các nghệ sĩ.

* Giám đốc Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM TRẦN VƯƠNG THẠCH:

Có thể làm nhiều cụm sân khấu nhỏ

Tôi hoàn toàn ủng hộ việc có một sân khấu nhỏ để trình diễn các loại hình nghệ thuật, phục vụ bà con đến tham quan, vui chơi trên phố đi bộ. Thật ra, một phố đi bộ thoáng đãng, rộng rãi như phố đi bộ Nguyễn Huệ chúng ta không chỉ có thể làm một mà còn có thể làm nhiều cụm sân khấu nhỏ như một hoạt động cộng thêm cho khách đến tham quan. Theo tôi biết, các cấp quản lý cũng đã tính đến việc này và có tham khảo ý kiến của các đơn vị trực thuộc, có chức năng liên quan.

Về phía HBSO, chúng tôi có một đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên sẵn sàng tham gia và phục vụ. Dù hiện tại vẫn chưa có yêu cầu hay quyết định cụ thể nhưng nghệ sĩ của nhà hát cũng đã có một số ý tưởng, sẽ đưa vào tập luyện trong thời gian tới. Tôi cho rằng loại hình giao hưởng không thích hợp lắm để biểu diễn thường xuyên ở phố đi bộ, trừ những dịp đặc biệt, trong những chương trình đặc biệt. Nhưng các tiết mục trình diễn nhạc bán cổ điển, trình diễn kèn, trống... sẽ mang đến một sự nhộn nhịp đáng yêu cho khu vực này.

Ngoài ra các chương trình nghệ thuật ngắn, các trích đoạn nhạc kịch, nhạc phim kinh điển... trong khoảng 30 - 45 phút cũng sẽ thu hút được khách tham quan. Khi biểu diễn, chúng ta cũng cần quan tâm đến nhu cầu của công chúng. Công chúng VN rất yêu thích và du khách nước ngoài thì rất quan tâm đến đờn ca tài tử, cải lương, âm nhạc dân gian... nên phố đi bộ cũng cần phải có những loại hình này. Các đội ca múa thiếu nhi, múa rối, làm xiếc, ảo thuật... cũng cần phải có để phục vụ các em nhỏ.

Các nghệ sĩ biểu diễn theo hình thức đường phố, vừa diễn vừa giao lưu, hướng dẫn người xem cùng chơi, cùng làm... sẽ mang đến không khí sôi động, đầy sức sống, sức sáng tạo của phố đi bộ.

Nghệ sĩ saxophone TRẦN MẠNH TUẤN:

Cổ truyền và hiện đại đều đã sẵn sàng

Saigon Big Band vẫn thường biểu diễn phục vụ khán giả TP ở những nơi công cộng nhiều năm qua. Và một điểm diễn định kỳ ngoài trời rất phù hợp như phố đi bộ Nguyễn Huệ là điều mà chúng tôi đã trông chờ từ lâu.

Nghệ sĩ chúng tôi luôn mong muốn đóng góp vào các hoạt động văn hóa của TP, giao lưu, luyện tập, giới thiệu những nét văn hóa của đất nước mình với khán giả trong và ngoài nước. Ý tưởng và nhiệt huyết thì chúng tôi luôn có, nhưng để những thiện ý đó thành hiện thực cần phải có sự ủng hộ từ các cơ quan chức năng, các đơn vị trực tiếp làm văn hóa.

Dạo trước, Saigon Big Band đã được hỗ trợ để diễn phục vụ khán giả tại trước Nhà hát TP, nhận được nhiều phản hồi tích cực từ bạn yêu nhạc của TP lẫn du khách nước ngoài. Một số đơn vị như Bitexco hay Phú Mỹ Hưng cũng đã mời chúng tôi đến diễn tại các tòa nhà, trung tâm thương mại của họ để phục vụ cho khách đến đây, tạo nên một sân chơi văn hóa nho nhỏ.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn mong có một sân chơi văn hóa nho nhỏ, đúng nghĩa hơn tại phố đi bộ Nguyễn Huệ - nơi chúng tôi có thể giới thiệu được những nét văn hóa rất riêng của VN, bản chất âm nhạc VN thông qua các nhạc cụ cổ truyền lẫn hiện đại đến rộng rãi công chúng.

Ở nước ngoài, các phố đi bộ đều có những hoạt động văn hóa như thế, thu hút được rất nhiều du khách lẫn người dân sinh sống tại đó. Ở phố cổ Hà Nội cũng đã có một đơn vị quản lý cho phép các nghệ sĩ trình diễn vào mỗi dịp cuối tuần với rất nhiều hình thức, phong cách biểu diễn: jazz, nhạc dân gian, nhảy múa hiện đại... Và sẽ rất tiếc nếu phố đi bộ Nguyễn Huệ khang trang, đẹp đẽ thế kia lại không có được những hoạt động như thế.

* Nghệ sĩ đàn tranh NGUYỄN THỊ HẢI PHƯỢNG:

Gây quỹ cho sân chơi phi lợi nhuận

Những buổi chiều dịu mát, chúng tôi cũng hay thả bộ lang thang ở phố đi bộ, nhìn các bạn thanh niên tụ tập đàn ca, chụp hình, các ông bố bà mẹ đưa con đi dạo thấy cuộc sống trôi qua thật bình yên.

Ở những TP tôi đã đi qua cũng có các phố đi bộ, có nơi đã tồn tại hàng trăm năm. Đây không chỉ là nơi giải trí của người dân bản địa mà còn là địa điểm tham quan và tìm hiểu văn hóa mà bất cứ du khách nào cũng muốn tới thăm.

Phố đi bộ của TP ta tuy là còn quá mới mẻ, nhưng cũng đã dần thu hút khá đông cư dân, các sinh hoạt của giới trẻ cũng bắt đầu nhen nhóm. Tuy vậy, theo chúng tôi, phố đi bộ không chỉ là nơi để người dân đến dạo chơi, các bạn trẻ tụ họp một cách tự phát, mà nơi này nên có nhiều hơn những hoạt động văn hóa lành mạnh để thỏa mãn nhu cầu thưởng thức của người dân.

Với địa điểm trung tâm TP, với lộ trình dài hơn 600m, chúng ta có thể phân chia ra một số hoạt động liên tục trên con đường này. Ví dụ, xen kẽ với nhạc nước trình diễn trong những giờ cố định, chúng ta sẽ có các hoạt động biểu diễn giải trí. Ở các nước khác thì tùy theo đặc điểm văn hóa, tùy theo địa điểm tổ chức mà người ta có thể sử dụng những loại hình nghệ thuật khác nhau.

Thường gặp nhất là các chương trình biểu diễn của những dàn nhạc giao hưởng quy mô nhỏ, những dàn kèn, nhạc jazz, xiếc, ảo thuật, những nhóm nhạc gọn nhẹ (guitare, violon, mandoline). Ngoài ra, các chương trình ngắn giới thiệu văn hóa truyền thống của nước bản địa như giới thiệu trang phục, ẩm thực, sân khấu truyền thống... cũng được nhiều nước coi trọng. Đây không chỉ là những cơ hội quảng bá nét văn hóa đặc sắc hấp dẫn du khách mà còn là môi trường giáo dục văn hóa dân tộc cho trẻ em.

Tôi mong rằng chúng ta cũng sẽ có thể giới thiệu sự độc đáo và khác biệt của mình khi thiết kế vài chương trình nhỏ mang dấu ấn của văn hóa VN như trang phục, nhạc khí dân tộc, các chương trình âm nhạc dân tộc, giới thiệu dân ca và các ca khúc mang âm hưởng dân ca, thậm chí tạo nên một sân chơi đúng nghĩa của loại hình tài tử cải lương tương tác giữa diễn viên và khán giả...

Để phục vụ những hoạt động phi lợi nhuận này, theo kinh nghiệm một số nơi, thông thường quỹ hoạt động sẽ được kêu gọi từ các công ty, các quỹ văn hóa phi chính phủ, hoặc ngay những cửa hàng trên trục đường cũng có thể xin phép làm những sân khấu giao lưu nho nhỏ cho du khách đi ngang dừng chân thưởng thức.

Đồng thời, cũng có thể cho thuê “sân khấu” hoặc “khoảnh đất” với giá hợp lý dành riêng cho các hoạt động văn hóa phi lợi nhuận như các nhóm nhạc tự trình bày ca khúc, học vẽ tranh, làm gốm...

Q.N. ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên