Hội nghị lãnh đạo Phật giáo ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia lần thứ hai diễn ra trong hai ngày 25 và 26-12, tại TP.HCM và thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng).
Tham dự lễ khai mạc có hòa thượng Thích Thiện Nhơn - phó pháp chủ, chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; hòa thượng Thích Thiện Pháp, hòa thượng Thích Thanh Nhiễu - cùng là phó chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam;
Hòa thượng Mahabounma Simmaphom - chủ tịch Tổ chức Phật giáo Trung ương Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào; hòa thượng Khim Son - chủ tịch Ban Thư ký Hội đồng Tăng thống Phật giáo tối cao, Vương quốc Campuchia;
Ông Vũ Chiến Thắng - thứ trưởng Bộ Nội vụ; bà Trần Thị Minh Nga - phó trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ; ông Nguyễn Phước Lộc - phó bí thư Thành ủy TP.HCM; ông Nguyễn Mạnh Cường - trưởng Ban Dân vận Thành ủy TP.HCM… cùng hơn 1.000 tăng, ni, phật tử ba nước.
Phật giáo và bảo vệ môi trường
Hội nghị lãnh đạo Phật giáo Việt Nam, Lào và Campuchia năm 2023 có chủ đề “Quan điểm của Phật giáo về quản lý môi trường - Nuôi dưỡng một thế giới bền vững".
Theo đó, bốn phiên của hội nghị chia sẻ các nội dung chính: sự kết nối nhau và công bằng môi trường; đạo đức Phật giáo và cuộc sống bền vững; chánh niệm và đạo đức sinh thái; tiêu dùng có chánh niệm và môi trường; giáo dục và nhận thức về môi trường; trí tuệ và chủ nghĩa môi trường Phật giáo.
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn - phó pháp chủ, chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam - phát biểu khai mạc.
Hòa thượng nhấn mạnh Hội nghị lãnh đạo Phật giáo đánh dấu cam kết tăng cường quan hệ đối tác học thuật giữa các tổ chức Phật giáo ở Việt Nam, Lào và Campuchia.
Hội nghị còn kêu gọi hành động, hợp tác bền vững hướng tới bảo vệ môi trường, tăng cường trao đổi văn hóa giữa các nước.
“Hãy để tinh thần của Hội nghị lãnh đạo Phật giáo ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia tiếp tục tồn tại trong hành động, thắp sáng con đường đến tương lai tươi sáng hơn cho dân tộc và sự phát triển tiếp tục nở rộ của Phật giáo ở sông MeKong” - hòa thượng Thích Thiện Nhơn chia sẻ.
Gieo trồng hạt giống hợp tác, đổi mới
Hòa thượng Mahabounma Simmaphom - chủ tịch Tổ chức Phật giáo Trung ương Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào - phát biểu: “Trong văn hóa, giáo dục của nhân dân Lào, Phật giáo góp phần bảo vệ và xây dựng đất nước hòa bình, cường thịnh, phát triển và giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, văn hóa Phật giáo và góp phần vào sự phát triển của đất nước”.
Hòa thượng nhấn mạnh hội nghị này là mảnh đất gieo trồng những hạt giống hợp tác, đổi mới và chia sẻ.
Hòa thượng Khim Son - chủ tịch Ban Thư ký Hội đồng Tăng thống Phật giáo tối cao, Vương quốc Campuchia - cho rằng thông qua hợp tác về giáo dục, văn hóa và chủ nghĩa nhân đạo, Phật giáo ba nước có thể xây dựng những "cây cầu hiểu biết" và lòng nhân ái trải dài khắp sông Mekong và vượt xa hơn.
Ông Vũ Chiến Thắng - thứ trưởng Bộ Nội vụ - ghi nhận và đánh giá cao chủ đề mà hội nghị lựa chọn để thảo luận.
“Chính phủ và nhân dân Việt Nam coi trọng mối quan hệ hữu nghị truyền thống với Lào và Campuchia.
Trong bối cảnh mối quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện ngày càng phát triển, mối quan hệ hợp tác, giao lưu tôn giáo giữa cộng đồng Phật giáo cũng không ngừng được vun đắp để phục vụ tích cực đời sống tôn giáo, đời sống xã hội của mỗi quốc gia.
Hội nghị hôm nay là một sự kiện quan trọng góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác, giao lưu giữa Phật giáo ba nước, góp phần thắt chặt thêm tình đoàn kết, gắn bó hữu nghị giữa ba quốc gia” - ông Vũ Chiến Thắng phát biểu.
Trước đó, Hội nghị lãnh đạo Phật giáo Việt Nam, Lào và Campuchia lần thứ nhất diễn ra tại Lào ngày 12-11-2018, nêu bật vai trò của Phật giáo trong việc thúc đẩy hòa bình, hòa hợp và bảo vệ môi trường trong khu vực.
Chiều 25-12, đoàn công tác của Hội nghị Lãnh đạo Phật giáo ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia sẽ đến thăm Đức pháp chủ Thích Trí Quảng tại chùa Huê Nghiêm 2.
Sau đó, đoàn có buổi gặp gỡ lãnh đạo TP.HCM.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận