01/10/2017 17:44 GMT+7

Để nói tục chửi thề không thành thói quen: dễ mà không dễ!

LÊ ĐỨC BẢO
LÊ ĐỨC BẢO

TTO - Theo bạn đọc Lê Đức Bảo, muốn nạn nói tục chửi thề không trở thành thói quen, thì: "Nơi nào nảy sinh ra những câu văng tục chửi thề thì sẽ phải hạn chế trước tiên".

Để nói tục chửi thề không thành thói quen: dễ mà không dễ! - Ảnh 1.

Thậm chí, những chủ tài khoản Facebook nào cố ý sử dụng những tiếng lóng có nội dung không lành mạnh, bỏ qua lời cảnh báo trước đó thì có thể bị khóa hoặc hủy tài khoản.

Nhằm góp thêm một góc nhìn, chuyên mục xin giới thiệu ý kiến này

"Quả thật, để tìm ra một chuẩn mực chung khi sử dụng ngôn từ trên mạng xã hội là điều rất khó. Bởi vì quy luật cơ bản của ngôn ngữ là chuyển động trong lời nói giao tiếp và không ngừng phát sinh ra những từ ngữ mới. 

Nhưng từ ngữ mới phải đáp ứng nhiều điều kiện để trở thành một từ hoàn chỉnh, xuất hiện chính thức trong từ điển. 

Do đó, chúng ta phải đặt ra những điều kiện khắt khe cho người dùng mạng xã hội (thường trong độ tuổi 7-30 tuổi) về những điều khoản trao đổi thông tin phải sử dụng ngôn ngữ chính thống.

Các bạn trẻ cần phải hiểu rằng, tiếng Việt được sử dụng hằng ngày không chỉ là ngôn ngữ đơn thuần. Mà nó còn được coi là "tài sản tinh thần" của dân tộc ta, nếu không biết giữ gìn ngay từ hôm nay thì sự méo mó, biến dạng của tiếng Việt trong tương lai gần là điều khó tránh khỏi"

LÊ ĐỨC BẢO

Loại bỏ nói tục, chửi thề ngay trong học đường

Tôi rất tán thành với quan điểm của nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân, không thể xóa nói tục, chửi thề ra khỏi tư tưởng của giới trẻ một cách ngay lập tức. Mà chỉ đẩy lùi, thu hẹp và hạn chế nói tục, chửi thề tại một số không gian công cộng, trước tiên hãy bắt đầu từ môi trường học đường. 

Vì đây phải là môi trường của sự chuẩn mực, cung cấp kiến thức và bồi dưỡng nhân cách cho mỗi người học sinh.

Bản thân là một giáo viên dạy văn, tôi rất "dị ứng" với những câu chữ, cách hành văn thiếu chuẩn mực của học sinh. Đặc biệt là sử dụng những ngôn từ ảnh hưởng đến "cái hay, cái đẹp" của tiếng Việt. 

Nếu phát hiện bài kiểm tra, bài viết nào có lỗi viết tắt theo lối dung tục hay dùng tiếng lóng không mang dụng ý nghệ thuật thì bài đó sẽ được chấm dưới điểm trung bình và giáo viên sẽ viết đầy đủ các lỗi trong mục lời phê để học sinh tự rút kinh nghiệm. 

Để khi này các em phải hình thành một ý thức: văn nói khác văn viết. Khi nói có thể xuề xòa, dễ dãi nhưng khi viết phải chuẩn mực và đáp ứng nhu cầu thưởng thức cái đẹp của người chấm, đó là chữ viết rõ ràng và sạch sẽ.

Ngay cả bản thân người lớn chúng ta cũng cần phải làm gương trước con trẻ, không phải vì "lời nói gió bay" mà có thể văng tục tùy tiện. Nếu như nhỡ thốt ra những lời lẽ không hay thì có thể nhận lỗi và hứa trước các con sẽ không nói ra những lời này nữa. 

Cần phải có sự chung tay của gia đình, nhà trường và sự quản lý chặt chẽ của các trang mạng xã hội thì mới có thể hạn chế được phần nào hiện tượng "xấu xí" này. Chứ một khi nó đã trở thành thói quen thì sẽ rất khó bỏ.

Làm sao hạn chế được việc nói tục chửi thề? Bạn có đồng ý với tác giả Lê Đức Bảo: thói quen này rất khó bỏ và muốn đừng nói tục, chửi thề phải loại bỏ tật xấu này ngay trong học đường? Hãy gửi ý kiến của mình quan phần bình luận dưới bài viết hoặc gửi về email: [email protected].

LÊ ĐỨC BẢO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên