Giáo viên tiêu biểu dự lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Dự buổi lễ có Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, nguyên Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và nhiều lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc đến những người thầy lớn của người Việt Nam: thầy giáo Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Thiếp, Nguyễn Văn Huyên...
Ông cũng thể hiện sự thành kính tri ân những nhà giáo liệt sĩ, tri ân những nhà giáo mang quân hàm xanh, những thầy cô vượt suối, vượt đèo mang chữ đến cho học sinh ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
"Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và với tất cả tình cảm, sự tri ân sâu sắc, tôi thân ái gửi tới các thế hệ thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục trên mọi miền Tổ quốc lời chào trân trọng, lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất", Thủ tướng nhắn gửi.
Đối với các em học sinh, tôi mong rằng các em hiểu được tình cảm, sự hy sinh, vất vả của các thầy cô để cố gắng hơn nữa trong học tập, rèn đức, luyện tài, để mang lại niềm vui, tự hào, hạnh phúc cho các thầy cô".
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi lễ - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Trách nhiệm, thách thức với nhà giáo
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng để đạt được mục tiêu đổi mới hiện nay, cần xác định rõ giáo dục và đào tạo là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Phát triển giáo dục và đào tạo là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Giáo dục và đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; với tiến bộ khoa học và công nghệ; phù hợp với quy luật khách quan.
"Tôi mong rằng các thầy cô luôn đề cao ý thức rèn đức - luyện tài, yêu nghề - yêu người; không ngừng học tập, tu dưỡng, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn; năng động, có cách tiếp cận mới trong dạy và học; tích cực ứng dụng khoa học công nghệ, mang lại luồng sinh khí mới với sức thuyết phục cao trong mỗi bài giảng, qua đó góp phần bồi dưỡng thế hệ tương lai của đất nước vừa hồng vừa chuyên", Thủ tướng chia sẻ.
Thủ tướng bày tỏ tin tưởng các thầy cô giáo trên cả nước nỗ lực để thực hiện sứ mệnh là những người "nuôi dưỡng những hạt giống tâm hồn, để những hạt mầm của đạo đức, nhân cách, tri thức, sự tử tế luôn tỏa sáng".
Cũng chia sẻ tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay, cần đổi mới từ tư duy, cơ chế chính sách, quản trị hệ thống, đổi mới cơ sở hạ tầng.
Và người thầy không chỉ cần có đầy đủ các phẩm chất, kiến thức và kỹ năng nghề như từng có và đã có, nhà giáo thời đại công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế còn cần tiên phong trong chuyển đổi số, giáo dục số, xã hội số, phải làm chủ được công nghệ và khoa học giáo dục hiện đại, phương tiện dạy học hiện đại, thành thạo các phương pháp khoa học kiểm tra đánh giá hiện đại.
Những giải pháp về giáo viên cần ưu tiên trong thời gian tới
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị phải rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan tới đội ngũ giáo viên phù hợp với thực tiễn, tương xứng với lao động đặc thù của nhà giáo. "Chính phủ đã giao Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương rà soát, sửa đổi quy định về phụ cấp ưu đãi giáo viên phù hợp", Thủ tướng cho biết.
Người đứng đầu Chính phủ cũng quan tâm tới việc hoàn thiện cơ chế chính sách đảm bảo mọi người có quyền tiếp cận với nền giáo dục ưu việt, tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý tích cực đổi mới. Thực hiện quản trị trường học theo hướng hiện đại, thông minh. Phát huy dân chủ, vai trò, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo trong xây dựng và phát triển nhà trường. Xây dựng môi trường văn hóa, phòng chống bạo lực học đường.
Không có vinh quang nào đạt được một cách dễ dàng. Đi cùng với sự cao quý và vinh quang của nghề nghiệp là sự khó nhọc, là trách nhiệm nặng nề, là thách thức và áp lực. Nhưng áp lực cũng chính là động lực để đổi mới và phát triển".
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng khẳng định: Phát triển giáo dục và đào tạo cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao là khâu đột phá chiến lược để phát triển đất nước, thì phát triển đội ngũ nhà giáo là khâu đột phá trong đột phá chiến lược ấy.
Ông Nguyễn Kim Sơn cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiếp tục triển khai nhiều công việc nhằm chăm lo, phát triển đội ngũ nhà giáo thuộc trách nhiệm của bộ. Ông thay mặt cán bộ quản lý, giáo viên cả nước cảm ơn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tới Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tới Quốc hội và Chính phủ về những sự quan tâm, chỉ đạo định hướng ở tầm vĩ mô và cả những việc thiết thực cụ thể như tăng chỉ tiêu biên chế cho giáo viên, những chính sách đầu tư phát triển cơ sở vật chất, trường lớp và các điều kiện làm việc. Đặc biệt là chủ trương tăng lương cơ sở và điều chỉnh phụ cấp ưu đãi cho nhà giáo sẽ được thực thi từ 1-7-2023.
Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước hiện có 1,6 triệu nhà giáo làm việc trong cả hai khối công lập và ngoài công lập. Có hơn 900.000 nhà giáo nghỉ hưu vẫn có nhiều đóng góp ở các góc độ khác nhau cho giáo dục. Gần 115.000 giáo sinh đang học tập trong các trường đại học và cao đẳng sư phạm trong cả nước, là nguồn dự bị bổ sung quan trọng cho đội ngũ nhà giáo trong tương lai.
Hiện đội ngũ nhà giáo có hơn 24.000 người có học vị tiến sĩ, hơn 43.000 phó giáo sư, và 550 giáo sư. Cả nước có 82 nhà giáo được phong tặng danh hiệu nhà giáo nhân dân và gần 1.700 nhà giáo được phong tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú. Đội ngũ nhà giáo hiện đang đảm nhiệm việc dạy học cho trên 23 triệu học sinh học tập tại tất cả các chương trình, các bậc học và các loại hình giáo dục.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận