22/08/2015 18:38 GMT+7

​“Đệ nhất phu nhân” Khmer Đỏ qua đời

NGUYỆT PHƯƠNG
NGUYỆT PHƯƠNG

TTO - Ngày 22-8, Tòa án xét xử tội ác Khmer Đỏ (ECCC) thông báo cựu “đệ nhất phu nhân” Khmer Đỏ Ieng Thirith vừa qua đời ở tuổi  83.

"Đệ nhất phu nhân" Khmer Đỏ Ieng Thirith - Ảnh: AFP

Theo AFP, ECCC cho biết Ieng Thirith trút hơi thở cuối cùng tại Pailiin, gần biên giới Thái Lan. “Bà ta được trả tự do dưới sự giám sát pháp lý và vẫn chịu sự giám sát pháp lý đó cho đến khi qua đời” - ECCC nhấn mạnh.

Ieng Thirith là một trong số rất ít phụ nữ nắm quyền lãnh đạo trong chế độ Khmer Đỏ. Bà ta từng là “bộ trưởng xã hội” của Khmer Đỏ và là vợ của “ngoại trưởng” Ieng Sary. Năm 2012, dư luận Campuchia và quốc tế vô cùng kinh ngạc và thất vọng khi ECCC quyết định trả tự do cho Ieng Thirith.

ECCC giải thích Ieng Thirith mắc nhiều chứng bệnh khác nhau, do đó không đủ sức khỏe để hầu tòa. Chồng bà ta là Ieng Sary cũng qua đời năm 2013 ở tuổi 87 trước khi lãnh án.

AFP dẫn lời ông Youk Chhang, giám đốc Trung tâm Tài liệu Campuchia, khẳng định Ieng Thirith không phải là kẻ thụ động trong vai trò vợ Ieng Sary và chị vợ lãnh đạo Khmer Đỏ Pol Pot. “Bà ta là một nhân vật rất có ảnh hưởng trên toàn quốc” - ông Youk Chhang cho biết.

Với vị trí bộ trưởng các vấn đề xã hội, Ieng Thirith quản lý hệ thống cung cấp thuốc men cho người dân Campuchia dưới thời Khmer Đỏ. “Ieng Thirith trực tiếp dính líu đến việc cản trở người dân Campuchia được tiếp cận những dịch vụ y tế cơ bản nhất dưới thời kỳ Khmer Đỏ” - ông Youk Chhang mô tả.

Bà ta bị bắt năm 2007 cùng chồng và liên tiếp phủ nhận mọi cáo buộc. Sinh ra với cái tên Khieu Thirith trong một gia đình giàu có, Ieng Thirith bắt đầu hoạt động chính trị cùng chồng tương lai khi còn là học sinh trung học ở Phnom Penh.

Ieng Thirith học đại học ở Paris (Pháp) và trở thành người Campuchia đầu tiên lấy bằng cử nhân văn học Anh. Tại đây, Ieng Thirith cưới Ieng Sary và cả hai có bốn con. Bà ta trở về Campuchia năm 1957 và tham gia hoạt động chính trị cùng chồng từ giữa thập niên 1960.

Dưới chế độ Khmer Đỏ, khoảng 2 triệu người Campuchia thiệt mạng. Ieng Thirith bị cáo buộc vi phạm tội ác chiến tranh, tội diệt chủng, tội ác chống lại loài người… Dù vậy, cuối cùng Ieng Thirith chết đi mà không phải đối diện với công lý. 

NGUYỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên