Từng phát biểu vấn đề này, song đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) vẫn băn khoăn khi chứng kiến một người phụ nữ vì khoản nợ phải trả, đến ngân hàng thương mại cầm cố sổ đỏ để vay 300 triệu đồng nhưng phải mua bảo hiểm nhân thọ 20 triệu đồng, chỉ còn lại 280 triệu đồng.
Tỉ lệ hủy hợp đồng năm đầu lên tới 70%, ngân hàng lời lớn?
“Bước ra khỏi ngân hàng mà hai hàng nước mắt chảy dài kèm tiếng khóc nấc mà tôi tình cờ được gặp đã thôi thúc tôi phát biểu lần nữa về vấn đề này”, ông Thịnh nói.
Ngoài vấn đề chiết khấu cho đại lý lên tới 40%, đại biểu dẫn chứng kết luận thanh tra của Bộ Tài chính tháng 7-2023 đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cho thấy tỉ lệ hủy hợp đồng sau năm đầu tiên của khách hàng lên tới 70%. Chỉ riêng tại một ngân hàng thương mại, số phí bảo hiểm hủy sau năm đầu tiên khoảng 2.000 tỉ đồng.
Đáng chú ý, số tiền mà ngân hàng có được từ liên kết bảo hiểm là rất lớn, chiếm tỉ trọng lớn trong lợi nhuận của các ngân hàng.
Cụ thể, đại biểu dẫn chứng Vietcombank có lợi nhuận trước thuế là 23.050 tỉ đồng, thì phí cho hợp đồng hợp tác độc quyền bán bảo hiểm nhân thọ đã là 9.200 tỉ đồng; lợi nhuận của ACB là 9.596 tỉ đồng thì phí trả trước ngân hàng được hưởng là 8.400 tỉ đồng; chưa tính số hoa hồng đại lý trên số phí bảo hiểm được hưởng theo quy định của kinh doanh bảo hiểm...
Từ thực tiễn trên, đại biểu Thịnh băn khoăn nếu dự thảo luật chỉ tiếp thu theo hướng ngân hàng thương mại được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định về kinh doanh bảo hiểm, sẽ không có gì đảm bảo được tình trạng chèn ép khách hàng vay vốn phải mua bảo hiểm.
Do đó, đại biểu đề nghị nếu việc cấm bán chéo bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng không được thì cần bổ sung quy định giao Chính phủ ban hành văn bản nhằm đảm bảo công khai, minh bạch, bảo vệ quyền lợi của khách hàng.
Nên cấm hay quản chặt?
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng bảo vệ quan điểm không nên cho phép ngân hàng thương mại liên doanh liên kết với công ty bảo hiểm để bán bảo hiểm.
“Hệ lụy đã xảy ra rồi, đến nay theo tôi biết đang còn dai dẳng” - ông Hòa cho rằng khi đã thành lập công ty bảo hiểm thì phải có trụ sở, nhưng thực tế lại không có.
Ví dụ, ở 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có 2 trụ sở. Khách hàng mua bảo hiểm có khiếu nại ở Đồng Tháp, ngân hàng lại chỉ qua Cần Thơ khiếu nại, khiếu kiện.
“Khi liên kết với công ty bảo hiểm, ngân hàng được chi hoa hồng rất cao. Tôi nói hơi kỳ nhưng mà chỉ có giật của người ta mới có lời thôi chứ không có cách nào mà lợi nhuận cao như thế”, ông Hòa nêu.
Nêu quan điểm khác, đại biểu Phạm Đức Ấn - chủ tịch HĐTV Agribank - lại cho rằng việc ngân hàng làm đại lý cho bảo hiểm là vấn đề quốc tế đang làm. Vì vậy, việc đưa vào áp dụng theo pháp luật về bảo hiểm là phù hợp.
“Chúng ta không nên vì những chuyện nọ chuyện kia mà cấm, cần có cơ chế giám sát và bảo đảm quyền lợi các bên liên quan”, ông nói.
Trao đổi thêm bên hành lang Quốc hội, ông Ấn cho hay bảo hiểm hiện có hai loại là bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ. Ngân hàng có mạng lưới rộng, nhân lực nhiều thì việc kết hợp với bảo hiểm sẽ tận dụng nguồn lực này, và hiện nhiều nước vẫn đang thực hiện.
Tuy nhiên, có trường hợp ngân hàng lạm dụng, ép buộc khách hàng mua bảo hiểm thì là vi phạm.
Do đó, dự thảo luật lần này nêu vấn đề là thực hiện theo quy định Luật Bảo hiểm (sửa đổi), tức ép buộc khách hàng là vi phạm luật và giao Ngân hàng Nhà nước quy định cụ thể, đảm bảo tính chặt chẽ.
Về các điều khoản liên quan hợp đồng bảo hiểm, theo ông Ấn, phải đảm bảo quy định của Luật Bảo hiểm (sửa đổi).
Việc hợp đồng bảo hiểm có đảm bảo quy định pháp luật, bảo vệ được người tham gia bảo hiểm hay không thì phải phụ thuộc vào pháp luật bảo hiểm, chứ không phải pháp luật về tổ chức tín dụng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận