Đại tá Cao Hữu Nguyên - trưởng Công an huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai động viên chị Nguyễn Thị Ánh Ngọc - Ảnh: Đức Trong |
Tin từ Viện KSND huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) cho hay vừa hoàn tất cáo trạng chuyển sang TAND cùng cấp đề nghị truy tố ra trước tòa đối với 5 nhân viên bảo vệ rừng.
Theo đó, cáo trạng truy tố 5 bị can về hành vi trên gồm: Lê Văn Lang (trạm trưởng trạm bảo vệ rừng Rạch Tràm), Trương Văn Lớn (đội phó bảo vệ rừng ngập mặn), Lê Ngọc Tuân (nhân viên bảo vệ rừng Rạch Gốc), Phạm Đức Tú (nhân viên bảo vệ rừng trạm Long Thọ), Phạm Văn Ẩn (nhân viên bảo vệ rừng trạm Tắc Hông).
Theo cáo buộc của Viện KSND, bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc được người khác ủy quyền quản lý rừng và nuôi trồng thủy sản và có sự đồng ý của Ban quản lý bảo vệ rừng phòng hộ Long Thành.
Khi phát hiện bà Ngọc xây chòi canh tôm bằng bê tông cốt thép gần 20m2, lực lượng bảo vệ rừng đã đưa 11 người đến ngăn chặn, không cho xây dựng trái phép.
Trưa 26-2, nhân viên bảo vệ rừng ngăn chặn xây dựng, mời thợ xây về UBND xã Phước An làm việc thì bị ông Nguyễn Văn Ni (cha bà Ngọc) đứng ra ngăn cản. Vì vậy, một số nhân viên bảo vệ rừng đã bắt trói ông Ni để các nhân viên khác làm việc.
Lúc này, tại chòi canh tôm của bà Ngọc đã xảy ra xô xát giữa bà với nhân viên bảo vệ rừng và hai bên giằng co nhau. Tiếp đó, các bị can Lang, Lớn, Tuân, Tú, Ẩn đã đã ném 40 bao xi măng của bà Ngọc xuống đùng tôm làm hư hỏng toàn bộ số xi măng.
Đến ngày 27-2 nhân viên bảo vệ rừng tiếp tục đến tháo gỡ bốn khung sắt cột công trình xây dựng ném xuống đùng tôm.
Theo Viện KSND, qua khám nghiệm hiện trường cùng các tài liệu, chứng cứ thu thập được đã đủ căn cứ chứng minh 5 bị can trên đã có hành vi hủy hoại tài sản 40 bao xin măng của bà Ánh Ngọc trị giá 3,4 triệu đồng. Riêng việc tháo gỡ vật liệu công trình ném xuống đùng tôm của một số nhân viên bảo vệ rừng trị giá dưới 2 triệu đồng nên công an huyện đã ra quyết định xử phạt hành chính.
Như Tuổi Trẻ đã thông tin, bà Ánh Ngọc là người được công an mời lên xã làm việc về vụ nhân viên bảo vệ rừng hủy hoại tài sản của bà nhưng tại xã bà bị bắt tạm giam để điều tra về hành vi “chống người thi hành công vụ”.
Sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc đã xác định bà Ngọc bị bắt giam oan 4 ngày.
Hiện một số cán bộ của Viện KSND gây oan sai cho bà Ngọc đã bị xử lý kỷ luật còn 2 lãnh đạo công an huyện đề xuất bắt giam bà Ngọc đang chờ ý kiến của lãnh đạo Bộ Công anvề mức độ xử lý kỷ luật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận