Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, việc xử lý nghiêm, tăng mức phạt và có thể xử lý hình sự với hành vi nhập lậu thuốc là cần thiết để tăng tính răn đe. Bởi lẽ việc nhập lậu thuốc lá đã diễn ra trong suốt nhiều năm qua, cơ quan chức năng dù có nhiều nỗ lực nhưng không thể xóa được.
Phóng to |
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - TP.HCM - Ảnh: VIỆT DŨNG |
Về thẩm quyền xử lý, đại biểu Lan cho rằng nên quy định người đứng đầu địa điểm công cộng có quyền xử phạt người hút thuốc lá. Như vậy sẽ thực tế hơn là quy định cứng nhắc một cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành vi hút thuốc trái quy định.
Về quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng nên lấy nguồn thu từ những người sản xuất, kinh doanh thuốc lá như một sự bù đắp cho cộng đồng chứ không nên lấy từ ngân sách.
Tuy nhiên cũng có một số ý kiến khác cho rằng không nên lập quỹ. Đại biểu Trương Văn Vở (đoàn Đồng Nai) cho rằng nên sử dụng 2% thuế tiêu thụ đặc biệt và VAT với thuốc lá để bổ sung cho dự án chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, trong đó có phòng chống tác hại thuốc lá sẽ hợp lý hơn. “Bởi vì cứ mỗi luật ra có quỹ, có tổ chức bộ máy là không ổn”, đại biểu Trương Văn Vở bày tỏ.
Trước các ý kiến về việc lập quỹ này, đại biểu Vương Đình Huệ (bộ trưởng Bộ Tài chính) không ủng hộ phương án trích 2% từ thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế VAT để lập quỹ. Về nguyên tắc thuế phải được thu tổng thể sau đó mới được phân bổ trở lại cho từng mục tiêu.
Hơn nữa việc trích nguồn thuế cố định như vậy không phù hợp với nguyên tắc xã hội hóa, việc lồng ghép xã hội vào chính sách thuế sẽ tạo ra nhiều bất cập.
Theo Bộ trưởng Vương Đình Huệ, kinh doanh thuốc lá lợi nhuận khá cao, vì thuế kinh doanh thuốc lá ở Việt Nam chỉ 45% trong khi ở các nước từ 60% trở lên. Do đó, quan điểm của Bộ Tài chính là lập một khoản đóng góp từ người sử dụng và sản xuất kinh doanh thuốc lá, vừa làm giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá vừa làm tăng ngân sách.
Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Hiệp hội Thuốc lá và nhiều nhà sản xuất thuốc lá trong nước đều đồng tình với phương án này.
Các đại biểu cũng cho ý kiến về quy định cấm quảng cáo thuốc lá. Đại biểu Nguyễn Xuân Trường (đoàn Hải Phòng) cho rằng cần triệt để hơn, chỉ cho mỗi điểm bán lẻ thuốc lá trưng bày 1 gói hoặc 1 cây thuốc lá. Quy định như hiện nay là mỗi sản phẩm được trưng bày một gói thuốc lá sẽ tạo kẽ hở khi thực tế một nhãn hiệu lại có rất nhiều sản phẩm.
Việc quy định cho phép tái xuất thuốc lá, nhiều đại biểu cũng không đồng tình. Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng đây là biện pháp không triệt để, vì quy định này không làm triệt tiêu được tác hại của thuốc lậu, đồng thời có thể tạo kẽ hở để thuốc lá lậu tái xuất quay lại theo các đường khác.
Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (đoàn Hòa Bình) cho rằng nên tiêu hủy thuốc lá nhập lậu. Kinh phí tiêu hủy sẽ được lấy từ quỹ phòng chống tác hại thuốc lá.
Có luật, đôi bên cùng có lợi Băn khoăn lớn nhất Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận được từ các đại biểu, cử tri trong quá trình góp ý, xây dựng dự thảo Luật phòng chống tác hại của thuốc lá: Sau khi ban hành luật, có thể làm giảm nguồn thu thuế từ thuốc lá, ảnh hưởng đến công ăn việc làm của hơn 20.000 người sản xuất và 200.000 nông dân đang trồng cây thuốc lá. Nhất là với một số địa bàn có cây chủ lực xóa đói giảm nghèo này. Bà Trương Thị Mai - chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội - cho rằng: “Luật phòng chống tác hại của thuốc là một chính sách vĩ mô ưu tiên bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Kinh nghiệm quốc tế và nghiên cứu tác động của dự án luật cho thấy việc ban hành luật sẽ giúp “đôi bên cùng có lợi”. Nghĩa là vừa tăng thu ngân sách (do tăng thuế thuốc lá) vừa bảo vệ sức khỏe người dân và cũng không ảnh hưởng đến người trồng thuốc lá trong thời gian trước mắt, khi nhu cầu hút thuốc lá vẫn khá lớn và vẫn cần được đáp ứng)”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận