06/12/2013 07:37 GMT+7

Đề nghị xóa trung cấp và cao đẳng sư phạm

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TT - “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông” là đề tài mà bà Nguyễn Thị Bình, nguyên phó chủ tịch nước, với tư cách là chủ nhiệm đề tài đã dồn nhiều tâm huyết trong suốt hơn ba năm qua.

3awQ82ZH.jpgPhóng to
Nguyên phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình - Ảnh: Nguyễn Khánh

Ngày 5-12, Quỹ hòa bình và phát triển VN cùng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia đã tổ chức hội nghị nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông”. Kết quả nghiên cứu hi vọng sẽ góp một phần quan trọng vào cuộc đổi mới giáo dục sắp tới.

Giáo viên mầm non cũng cần có bằng đại học

Để giáo dục thành công

Chia sẻ tại hội nghị nghiệm thu đề tài mà mình dồn nhiều tâm huyết nhất trong những năm qua, bà Nguyễn Thị Bình chia sẻ: “Trên cơ sở nghiên cứu sâu 25 hệ thống giáo dục thế giới, đã khẳng định ba vấn đề quan trọng nhất giúp cho 10/25 hệ thống giáo dục thành công là tuyển đúng người để trở thành giáo viên, đào tạo hiệu quả những người được tuyển để trở thành nhà giáo, bảo đảm để hệ thống giáo dục cung ứng việc dạy tốt nhất có thể cho mọi trẻ em”.

Trình bày về một trong bốn vấn đề cốt lõi của đề tài nghiên cứu, PGS Vũ Trọng Rỹ, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết cả nước hiện có trên 100 cơ sở đào tạo giáo viên trong tình trạng phân tán, thiếu tính liên thông và quy hoạch tổng thể. Vì thế nhóm nghiên cứu đề xuất cần khẩn trương quy hoạch lại mạng lưới đào tạo giáo viên thành một hệ thống cấp quốc gia. Mạng lưới này phải đảm bảo tính liên thông để tận dụng được nguồn lực của các cơ sở đào tạo. Với hệ thống đào tạo giáo viên này, cũng cần có quy chuẩn chung trong việc tuyển sinh, điều kiện đào tạo tối thiểu và chuẩn đầu ra đối với từng bậc học.

Theo nhóm nghiên cứu, cần phải ngưng đào tạo bậc trung cấp và cao đẳng sư phạm ngay trong năm học 2014-2015, bởi giáo viên các cấp kể cả mầm non, tiểu học cần được đào tạo đại học. Quan điểm giáo viên bậc học thấp chỉ cần trình độ đào tạo thấp là điều nhiều chuyên gia tham dự hội nghị cho rằng cần phải thay đổi. Bởi nhìn ra các nước, càng bậc học thấp, việc tuyển chọn, đào tạo giáo viên càng phải kỹ càng, bài bản.

Đồng tình với đề xuất này, TS Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý bộ trưởng Bộ GD-ĐT, nói: “Tôi đồng ý với việc xóa bỏ hệ đào tạo trung cấp và cao đẳng sư phạm. Giáo viên các cấp phổ thông cần đào tạo ĐH, nhưng cần có sự phân biệt rõ ràng về mô hình, phương thức, nội dung đào tạo. Ví dụ như ở nước ngoài có những mô hình đào tạo ĐH 3 năm hoặc 4 năm. Phân biệt và có định hướng đào tạo rõ ràng sẽ cung cấp giáo viên ở những “đầu ra” khác nhau, phù hợp với yêu cầu của các bậc học phổ thông khác nhau”.

Góp ý cho nhóm nghiên cứu, GS Đinh Quang Báo, nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, bày tỏ “tâm đắc với tư tưởng xuyên suốt đề tài nghiên cứu và được bà Nguyễn Thị Bình nhấn mạnh nhiều lần là đào tạo và bồi dưỡng giáo viên phải là một quá trình liên tục. Trong đó đào tạo ban đầu phải là “cú hích” đủ mạnh để người thầy có được nền tảng ban đầu và sức bật để đi trên con đường học tập suốt đời”.

“Đào tạo nghiệp vụ sư phạm ở các trường sư phạm lâu nay chỉ là việc “tráng men” thôi, sinh viên sư phạm trong suốt quá trình học được trang bị kiến thức chuyên môn là chủ yếu”- GS Báo nói. Đây chính là bất cập khiến nhiều thế hệ giáo viên hiện nay thiếu kỹ năng sư phạm cần thiết, không có phương pháp dạy học tốt và trì trệ trong việc đổi mới phương pháp dạy học. Ông Báo đề nghị phải xây dựng một mô hình đào tạo tăng tỉ lệ đào tạo kỹ năng dạy học. Trong công tác bồi dưỡng giáo viên, việc bồi dưỡng kỹ năng dạy học trên cơ sở thực tiễn cũng là việc phải ưu tiên hàng đầu.

Nhóm nghiên cứu đưa ra hai mô hình: hoặc đào tạo kiến thức đại cương chuyên ngành xong mới đào tạo một năm nghiệp vụ sư phạm, hoặc đào tạo đồng thời cả kiến thức và nghiệp vụ sư phạm. Nhiều ý kiến đóng góp tại hội nghị cho rằng việc đào tạo giáo viên gắn liền với thực hành, với hoạt động dạy học ở trường phổ thông là hướng đi cần được áp dụng.

Tăng lương, tăng điều kiện, tăng đòi hỏi

Lương, phụ cấp, các chính sách đãi ngộ đối với giáo viên là một “nhánh” quan trọng của đề tài. Tại hội nghị, GS Nguyễn Lộc, phó viện trưởng Viện Khoa học giáo dục, cho rằng nên căn cứ vào GDP để xác định mức lương đối với giáo viên. Ý kiến này không được đồng thuận của nhiều người khác tại hội nghị. Theo ông Nguyễn Quang Kính, một thành viên nhóm nghiên cứu, với mức GDP thấp như ở VN và tình hình giá cả sinh hoạt hiện nay thì nếu đề xuất lương giáo viên ngang bằng mức GDP thì không thay đổi được bất cập. “Lương giáo viên không đủ sống là lý do 40% số giáo viên trong diện khảo sát cho rằng không muốn gắn bó với nghề. Lương thấp làm phát sinh nạn dạy thêm tùy tiện, tiêu cực trong giáo dục. Hãy định mức lương thế nào để giáo viên có thể yên tâm đi dạy mà đủ sống tối thiểu, khi đó mới có thể giải quyết được chất lượng giáo dục” - ông Kính nhấn mạnh.

TS Phạm Đỗ Nhật Tiến thông tin thêm: “Tham khảo từ nhiều nước, tôi thấy những nước phát triển lương giáo viên thấp hơn GDP, vì GDP của họ cao, nhưng những nước đang phát triển thì lương giáo viên phải cao hơn GDP. Theo tôi lương giáo viên hiện nay cần cao hơn GDP 2,5 lần”.

Bà Nguyễn Thị Bình bày tỏ quan điểm: “Lương nhà giáo phải xuất phát từ yêu cầu đối với giáo dục. Vì thế khi đặt ra yêu cầu cao đối với giáo viên, mức lương cũng nên được điều chỉnh. Hiện nay lương giáo viên không tương ứng với nhiệm vụ giáo viên phải đảm nhiệm nên rõ ràng cần phải xem lại”.

Ông Vũ Trọng Rỹ cũng nhận xét: “Không chỉ mức lương thấp mà cách chi thang bảng lương cũng bất hợp lý. Ví dụ lương giáo viên tiểu học được chia quá nhiều bậc, nhiều giáo viên tới khi về hưu vẫn không được hưởng hết các bậc lương quy định, trong khi giữa các bậc lương chênh lệch rất ít. Vì thế, thu nhập của giáo viên tiểu học nếu chỉ trông đợi vào đồng lương Nhà nước thì không thể đủ sống”.

Tăng lương, điều chỉnh giờ làm việc hợp lý, thực hiện đúng quy định sĩ số học sinh, giảm những công việc không cần thiết, quy định không cần thiết đối với giáo viên là kiến nghị của nhóm nghiên cứu. Tuy nhiên, đồng thời với những yêu cầu tăng chính sách, điều kiện cho nhà giáo, nhóm nghiên cứu cũng cho rằng cần kiểm soát chặt chẽ công việc chuyên môn của giáo viên, tránh việc đánh giá “cào bằng” để tạo một môi trường làm việc công bằng hơn, khuyến khích giáo viên gắn bó, tâm huyết với nghề.

Giáo viên phải làm quá nhiều việc ngoài chuyên môn

Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu, các loại phụ cấp, chính sách phúc lợi cho giáo viên hiện nay vẫn còn bất cập, chưa kịp thời, trong khi áp lực đối với nhà giáo ngày càng lớn. Ông Nguyễn Quang Kính nói: “Quy định công chức hiện nay làm việc 40 giờ/tuần, nhưng theo khảo sát của chúng tôi thì có những giáo viên phải làm tới 60 giờ/tuần. Làm như thế thì không thể đảm bảo chất lượng, không có thời gian tái tạo sức lao động. Một bất cập lớn nữa là giáo viên phổ thông hiện nay phải làm quá nhiều việc ngoài chuyên môn, từ những bất hợp lý trong quy định về sổ sách, đến những hoạt động khác trong mỗi cơ sở giáo dục. Thời gian dành cho chuyên môn eo hẹp và áp lực công việc chung khiến giáo viên giảm tâm huyết với việc dạy học”.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên