03/01/2018 11:34 GMT+7

Đề nghị tử hình người bắn chết 3 bảo vệ Công ty Long Sơn

TRUNG TÂN
TRUNG TÂN

TTO - Bị cáo Đặng Văn Hiến - người trực tiếp nổ súng khiến 3 nhân viên trong đoàn cưỡng chế đất của Công ty Long Sơn tử vong - bị đề nghị mức án cao nhất là tử hình.

Đề nghị tử hình người bắn chết 3 bảo vệ Công ty Long Sơn - Ảnh 1.

Ông Đặng Văn Hiến tại phiên tòa - Ảnh: TRUNG TÂN

Sáng 3-1, trong phiên tòa xét xử vụ bắn người do tranh giành đất giữa các hộ dân với Công ty TNHH thương mại đầu tư Long Sơn tại tiểu khu 1535 xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, Đắk Nông khiến 3 người chết, đại diện Viện KSND tỉnh Đắk Nông đã đề nghị mức án cao nhất đối với các bị cáo trực tiếp nổ súng bắn người của Công ty Long Sơn.

Cụ thể, VKS đề nghị án tử hình với bị cáo Đặng Văn Hiến, tù chung thân với Ninh Viết Bình; từ 15-16 năm tù với Hà Văn Trường và từ 2-3 năm tù với Đoàn Văn Diện.

Theo VKS, hành vi của các bị cáo Đặng Văn Hiến, Ninh Viết Bình trong việc sử dụng súng để bắn vào nhóm công nhân Công ty Long Sơn là hành vi coi thường sức khỏe, tính mạng người khác.

Khi các nhân viên công ty không còn khả năng chống cự, đã trốn ở rãnh nước, ông Hiến yêu cầu cởi bỏ quần áo nhưng có người thực hiện chậm, có người bỏ chạy đã bị Hiến bắn ở cự ly gần. Hành vi của bị cáo có tính chất côn đồ, cố tình tước đoạt tính mạng người khác.

Đối với bị cáo Ninh Viết Bình, trong một lần uống rượu với Hiến đã có thỏa thuận việc nếu bị công ty san ủi cây trồng thì sẽ cùng nhau chống trả. 

Đề nghị tử hình người bắn chết 3 bảo vệ Công ty Long Sơn - Ảnh 2.

Đại diện VKS trình bày quan điểm luận tội các bị cáo - Ảnh: TRUNG TÂN

Sáng 23-10-2016, khi biết xe máy cày của Công ty Long Sơn đến phá rẫy người dân, Bình đã mang một khẩu súng đến hỗ trợ. Bình cũng trực tiếp bắn hai phát vào nhóm nhân viên Công ty Long Sơn.

Theo đại diện VKS, việc phạm tội của Hiến, Bình là xuất phát từ bức xúc trong việc tranh chấp đất đai, do bị công ty nhiều lần san ủi cây trồng. 

Hành vi của bị cáo Hiến là người trực tiếp dẫn đến cái chết của 3 người và 13 người bị thương. Còn Ninh Viết Bình phạm tội với vai trò trợ giúp đắc lực đối cho ông Hiến. Các bị cáo khác như Hà Văn Trường giúp tiếp đạn, Đoàn Văn Diện giúp Hiến bỏ trốn.

Đối với nhóm tội danh hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác, đại diện VKS cho rằng do nôn nóng việc thu hồi đất bị lấn chiếm nên bị cáo Nghiêm Thiên Xuân Sửu - phó giám đốc Công ty Long Sơn và Phạm Công Thiện - người quản lý, đã thực hiện hành vi trái pháp luật.

Đề nghị tử hình người bắn chết 3 bảo vệ Công ty Long Sơn - Ảnh 3.

Toàn cảnh phiên tòa sáng 3-1- Ảnh: TRUNG TÂN

Dù pháp luật không cho phép nhưng ông Sửu chỉ đạo, ông Thiện trực tiếp huấn luyện nhóm nhân viên luyện tập phương án "tác chiến" để đi san ủi đất của người dân trái pháp luật. 

Cụ thể, sáng 23-10-2016, ông Thiện dưới sự chỉ đạo của ông Sửu dẫn theo 30 công nhân, bảo vệ với đầy đủ trang bị vũ khí đã xuống khu vực đất của người dân để san ủi. Và tại đây điều đau lòng đã xảy ra.

Việc làm của các bị cáo là coi thường pháp luật, coi thường tài sản, công sức lao động của người khác. Chính vì lẽ đó VKS đề nghị tòa tuyên phạt ông Sửu 6-7 năm tù giam; ông Thiện 4-5 năm tù giam.

Đề nghị tử hình người bắn chết 3 bảo vệ Công ty Long Sơn - Ảnh 4.

Luật sư trình bày luận cứ bào chữa cho các bị cáo Hiến, Bình- Ảnh: TRUNG TÂN

Phạm tội vì bị đe dọa

Ngay sau khi VKS đề nghị mức án, các luật sư đã có bài bào chữa cho các bị cáo. Theo các luật sư bảo vệ cho nhóm nông dân đã nổ súng, những nông dân này đã bỏ công sức nhiều năm để làm nên tài sản của mình trước khi có dự án. 

Giữa khu vực rừng rú xa xôi, Công ty Long Sơn nhiều lần tổ chức việc phá hoại cây trồng của mình nên các nông dân luôn trong tâm lý lo sợ, dễ kích động. 

Cụ thể, vào khoảng tháng 3-2016, tại khu vực này, một người có tên Thành "nghĩa địa" tổ chức  cho người phá hoại, đánh đập người dân để dành đất cho công ty.

Đỉnh điểm là ngày 23-10-2016, hàng chục người cầm dao, rựa, đá vây kín nhà đe dọa phá hoại tài sản. 

Trong khi đó, trong nhà bị cáo Hiến chỉ còn vợ, con nhỏ 2 tuổi và em vợ (bị cáo Hà Văn Trường) nên tinh thần bị kích động mạnh. 

Lo sợ cho sự an toàn của gia đình, vợ con và tài sản của mình, ông Hiến dùng khẩu súng thể thao (theo VKS đây không phải là súng quân dụng) bắn chỉ thiên để đe dọa. 

Thế nhưng nhóm công nhân Công ty Long Sơn vẫn tiếp tục đe dọa, vì vậy dẫn đến việc bị cáo bức xúc và bắn nhiều phát đạn về phía nhân viên dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Vì vậy theo các luật sư, VKS truy tố các bị cáo Hiến, Bình tội "giết người" là chưa chính xác, đề nghị tòa chuyển tội danh các bị cáo sang phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh. 


Đề nghị tử hình người bắn chết 3 bảo vệ Công ty Long Sơn - Ảnh 5.

Khẩu súng thể thao mà bị cáo Hiến đã trực tiếp bắn các nạn nhân (bên trái) và khẩu súng hơi mà vợ công Hiến giao nộp cơ quan công an - Ảnh: TRUNG TÂN

Luật sư Nguyễn Văn Quynh - Đoàn luật sư Hà Nội cũng cho rằng diện tích đất mà người dân xâm canh, lấn chiếm chưa từng bị xử lý vi phạm hành chính về lấn chiếm, phá rừng. Diện tích này người dân đã canh tác ổn định nhiều năm. 

Khi Công ty Long Sơn cho người vào tổ chức san ủi, các hộ dân đã khiếu nại nhiều nơi nhưng chưa được cơ quan nhà nước nào giải quyết. 

"Ở đây có trách nhiệm rất lớn của chính quyền địa phương trong việc không giải quyết dứt điểm những bức xúc của người dân" - luật sư Quynh nói.

Ngoài ra theo luật sư, diện tích đất mà công ty cho rằng người dân lấn chiếm, đã bị nhà nước thu hồi, chuẩn bị giao về địa phương để thực hiện kế hoạch sử dụng đất, không còn là đất dự án. 

"Công ty Long Sơn lấy quyền gì mà tổ chức lực lượng, chuẩn bị máy móc, vũ khí để đi cưỡng chế đất của người dân? Đề nghị hội đồng xét xử xem xét toàn diện, khách quan vụ án để có những tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo" - luật sư Quynh đề nghị.

TRUNG TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên