Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình - Ảnh tư liệu Tuổi Trẻ |
Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 4-8, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã nói như vậy khi được hỏi về phát ngôn “chuẩn bị hải chiến” của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc.
Trước đó, ngày 2-8, Tân Hoa Xã cho biết trong chuyến thị sát ở tỉnh Chiết Giang gần đây, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn cho rằng an ninh của nước này đang bị ảnh hưởng bởi các đe dọa đến từ biển và kêu gọi quân đội, cảnh sát và người dân chuẩn bị tâm lý sẵn sàng được huy động bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ.
* Tuổi Trẻ: Gần đây báo chí Trung Quốc đưa tin rằng Bộ Trưởng Quốc phòng Thường Vạn Toàn kêu gọi quân đội, cảnh sát, và nhân dân nước này chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh trên biển nhằm bảo vệ cái mà nước này cho là chủ quyền của họ. Đề nghị người phát ngôn cho biết phản ứng của Việt Nam?
- Ông Lê Hải Bình: Hòa bình và ổn định ở Biển Đông là lợi ích của các nước trong và ngoài khu vực. Các tranh chấp ở Biển Đông cần được giải quyết một cách hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, và không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
Tôi cho rằng các quan chức của các nước cần phát biểu và hành động một cách phù hợp với các tuyên bố chính thức cũng như là các nghĩa vụ của quốc gia mình là tôn trọng luật pháp quốc tế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, đóng góp tích cực vào (việc duy trì) hòa bình, ổn định ở khu vực cũng như trên thế giới.
* Báo Đầu Tư: Khi nào Việt Nam có tuyên bố chính thức về nội dung phán quyết của Tòa Trọng tài vụ Philippines kiện Trung Quốc?
- Các cơ quan chức năng của Việt Nam đang nghiên cứu một cách nghiêm túc và kỹ lưỡng nội dung.
* TTXVN: Xin cho biết phản ứng của Việt Nam trước thông tin tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc ban hành xử lý hình sự đối với người nước ngoài đánh cá trái phép trong lãnh hải thuộc chủ quyền của Trung Quốc?
- Chúng tôi đang tìm hiểu thông tin chính thức và cụ thể về việc này. Chúng tôi cho rằng việc đối xử với ngư dân hoạt động ở Biển Đông trước hết phù hợp với luật pháp quốc tế cũng như các thỏa thuận đã đạt được giữa các nước trong khu vực và trên tinh thần nhân đạo. Chúng tôi cũng bảo lưu các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cũng như lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế.
* Báo Lao Động: Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao về Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN vừa rồi tại Lào, khi nói về phán quyết Tòa Trọng tài, Việt Nam cho rằng rất coi trọng thương lượng, đàm phán, mở ra giai đoạn mới trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Xin Bộ Ngoại giao nói rõ hơn về việc này.
- Chúng tôi xin khẳng định lại rằng lập trường nhất quán của Việt Nam là giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý.
Một trong các biện pháp giải quyết hòa bình đó là đàm phán thương lượng. Đối với các vấn đề liên quan đến hai nước thì tiến hành song phương. Còn đối với các vấn đề liên quan đến các nước và các bên khác, thì sẽ có sự tham gia của các bên liên quan.
* VnExpress: Indonesia thông báo có đánh đắm một số tàu cá nước ngoài đánh bắt trái phép ở vùng biển của nước này. Có thông tin cho rằng có tàu Việt Nam trong số đó. Bộ Ngoại giao đã trao đổi với phía Indonesia thế nào về thông tin này?
- Chúng tôi hết sức quan tâm đến thông tin phóng viên vừa nêu. Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia đang làm việc với các cơ quan chức năng Indonesia để xác minh thông tin và có biện pháp can thiệp phù hợp.
Chúng tôi luôn yêu cầu Indonesia xử lý các ngư dân Việt Nam vi phạm trên tinh thần nhân đạo.
* VietNamNet: Vừa qua, nhóm hacker (tin tặc) được cho là của Trung Quốc tấn công hệ thống mạng của Vietnam Airlines, để lại những thông điệp về tranh chấp ở Biển Đông. Bộ Ngoại giao tham gia trong việc khắc phục vấn đề liên quan đến cuộc tấn công mạng này như thế nào?
- Trước hết cần phải khẳng định rằng mọi hoạt động tấn công mạng cần phải được lên án và nghiêm trị. Như các bạn đã biết các cơ quan chức năng đã kịp thời triển khai các biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh, an toàn và hoạt động bình thường tại các sân bay.
Đồng thời các cơ quan an ninh đã vào cuộc điều tra vụ việc. Chủ trương của Việt Nam mà cụ thể là của các cơ quan chức năng Việt Nam, trong đó có Bộ Ngoại giao Việt Nam, là mong muốn hợp tác với cộng đồng quốc tế trong việc ngăn ngừa và chống lại các cuộc tấn công mạng.
* Gần đây có nhiều lo ngại an ninh về việc Việt Nam cho phép Trung Quốc mở lãnh sự quán ở Đà Nẵng. Xin Bộ Ngoại giao nêu rõ quan điểm. - Việc Trung Quốc mở Tổng lãnh sự quán ở Đà Nẵng là nhằm tăng cường hợp tác kinh tế thương mại cũng như giao lưu hữu nghị giữa các địa phương Trung Quốc với TP Đà Nẵng nói riêng và các địa phương ở miền trung Việt Nam nói chung, đồng thời kịp thời phối hợp với các cơ quan chức năng Việt Nam để xử lý các vấn đề có liên quan đến công tác lãnh sự. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận