Bị cáo Phạm Công Danh bị dẫn giải đến phiên tòa sáng 29-1 - Ảnh: XUÂN HƯNG
Ngày 29-1, phiên xét xử đại án Phạm Công Danh (nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây Dựng - VNCB) và đồng phạm bước vào tuần làm việc thứ 4.
Sau khi đại diện viện kiểm sát có quan điểm đối đáp lại, các luật sư tiếp tục đưa ra nhiều căn cứ để bào chữa cho các bị cáo.
Trong những ngày xét xử vừa qua, các bị cáo nguyên lãnh đạo VNCB đã có nhiều lời khai về việc đã dùng 4.500 tỉ đồng (trong số hơn 6.100 tỉ đồng vay được) đưa vào để tăng vốn điều lệ cho VNCB.
Cả 7 luật sư của bị cáo Danh đã gay gắt đề nghị HĐXX phải làm rõ số tiền 4.500 tỉ đồng đưa vào VNCB giờ ở đâu? Ai là người hưởng lợi? Tại sao không dùng số tiền này để giảm trừ thiệt hại trong vụ án cho các bị cáo.
Mở đầu phiên xét xử, HĐXX cho biết đã có văn bản yêu cầu Ngân hàng Nhà nước giải trình về vấn đề 4.500 tỉ đồng tăng vốn điều lệ tại VNCB.
Ngày 27-1, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có văn bản gửi HĐXX kèm theo các tài liệu chứng minh đường đi của số tiền này. Tuy nhiên nội dung cụ thể chưa được HĐXX công bố.
Trình bày trước tòa, luật sư Hà Hải (bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh) cho biết đã nắm trong tay một số tài liệu thể hiện năm 2014, công ty kiểm toán đã đề nghị CBBank (đổi tên từ VNCB sau khi bị Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng) phải thể hiện trên các báo cáo nội dung vốn điều lệ của ngân hàng được điều chỉnh giảm từ 7.500 tỉ đồng xuống còn 3.000 tỉ đồng.
Lý do 4.500 tỉ đồng tăng vốn điều lệ liên quan đến vụ án nên phải chờ kết luận của cơ quan điều tra.
Sau khi nhận được đề nghị của kiểm toán, CBBank đã có văn bản xin Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về việc giảm vốn điều lệ. Tiếp đó, CBBank có văn bản cho rằng liên quan đến vụ án Phạm Công Danh nên CBBank sẽ xử lý hạch toán khoản 4.500 tỉ đồng khi có kết luận của cơ quan điều tra.
Luật sư Hà Hải cho rằng hoạt động kiểm toán cần độc lập, việc điều chỉnh các báo cáo kiểm toán là không trung thực, không hợp lý.
"Công ty kiểm toán đã đề nghị CBBank ghi giảm vốn điều lệ từ 7.500 xuống 3.000. Rất tiếc là HĐXX không triệu tập hai kiểm toán viên đã ký vào báo cáo kiểm toán. Họ mới là những người thực sự hiểu rõ và có trách nhiệm phải trả lời số tiền 4.500 tỉ đồng đã đi đâu chứ không phải đại diện CBBank" - luật sư Hà Hải nêu vấn đề và đề nghị triệu tập hai kiểm toán viên đến tòa
Hiện HĐXX chưa có ý kiến về vấn đề này
Bào chữa cho bị cáo Danh, luật sư Trần Minh Hải cũng cho rằng nếu các cơ quan tố tụng không khấu trừ 4.500 tỉ đồng tiền vốn điều lệ ra khỏi con số thiệt hại của vụ án đồng nghĩa với việc tạo nên nghịch lý mới. Tức VNCB (trước đây) là người bị hại nhưng CBBank (bây giờ) lại được hưởng lợi kép.
"Trong tổng thể vụ án, VNCB bị xem thiệt hại 6.100 tỉ đồng nhưng lại không tính đến việc ngân hàng này đã đưa 4.500 tỉ đồng vào vốn điều lệ. Ngược lại, ngân hàng còn đòi thêm ông Danh 4.500 tỉ đồng" - luật sư Trần Minh Hải cho biết.
Cáo trạng thể hiện trong số hơn 6.100 tỉ đồng vay được từ 3 ngân hàng Sacombank, BIDV và TPBank, Phạm Công Danh đã chi tiêu, trả nợ, sử dụng vào mục đích cá nhân. Tuy nhiên tại tòa, bị cáo khai đã dùng 4.500 tỉ đồng đưa vào vốn điều lệ cho ngân hàng.
Trong khi đó, đại diện CBBank và cơ quan giám định cho biết số tiền đưa vào vốn điều lệ đã được hòa chung vào dòng tiền của ngân hàng, đã được sử dụng hết dưới thời Phạm Công Danh. Vì vậy không có cơ sở để giảm trừ thiệt hại cho các bị cáo.
Ngày 30-1, phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận