Ngày 6-8, ông Nguyễn Văn Bình, bà Lê Thị Sương (ở TP Nha Trang) đại diện nhiều hộ dân khiếu nại, tố cáo về việc bị thu hồi đất cho doanh nghiệp làm dự án kinh doanh khu du lịch và giải trí Sông Lô đã nhận được thông báo phản hồi của Ban Dân nguyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo đó, sau khi xem xét nhiều đơn khiếu nại, tố cáo của công dân, ngày 1-8 vừa qua, Ban Dân nguyện có văn bản gởi Thủ tướng Chính phủ đề nghị như đã nêu trên.
Khiếu nại, tố cáo tại dự án Sông Lô kéo dài 21 năm
Về dự án khu du lịch và giải trí Sông Lô tại xã Phước Đồng, có 198 hộ dân, 3 tổ chức đã bị tỉnh Khánh Hòa và TP Nha Trang thu hồi đất giao cho Công ty TNHH thương mại - xây dựng Hoàn Cầu thực hiện dự án kinh doanh đã nêu.
Theo Ban Dân nguyện, người dân bị thu hồi đất ở Sông Lô vì dự án trên đã khiếu nại, tố cáo kéo dài từ năm 2002 tới nay. Đó là một trong 35 vụ việc phức tạp, kéo dài cần xem xét của Tổ công tác 1849 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Cách đây 20 năm, vào năm 2003, Tổng bí thư đã có chỉ đạo kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo của dân về dự án tại Sông Lô. Sau đó, Thủ tướng, phó thủ tướng Chính phủ cũng nhiều lần chỉ đạo xem xét, giải quyết vụ việc vừa nêu.
Theo các chỉ đạo trên, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan trung ương đã nhiều lần lập các đoàn thanh tra, kiểm tra, rà soát, giám sát.
Đến nay, Thanh tra Chính phủ đã có 10 báo cáo kết luận thanh tra, kiểm tra. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có 5 báo cáo liên quan, đều về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của dân về dự án khu du lịch và giải trí Sông Lô.
Gần đây nhất, vào tháng 4 và tháng 9-2022, Thanh tra Chính phủ cũng có 2 báo cáo của đoàn kiểm tra tại dự án trên.
Thế nhưng, theo Ban Dân nguyện "các nội dung công dân khiếu nại, tố cáo, phản ánh… chưa được Thanh tra Chính phủ làm rõ, kết luận".
Trong khi đó, theo văn bản đã nêu của Ban Dân nguyện, việc triển khai thực hiện kiến nghị của Thanh tra Chính phủ (theo hai báo cáo trên) ở Khánh Hòa thì đang "gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến lợi ích của người dân và doanh nghiệp; gây lãng phí nguồn lực trong thời gian dài; không xem xét, xử lý trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan, đơn vị có sai phạm".
Vì vậy, Ban Dân nguyện "trân trọng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành có liên quan và UBND tỉnh Khánh Hòa, có sự tham gia của Ban Dân nguyện để làm rõ các nội dung công dân khiếu nại, tố cáo, phản ánh như đã nêu trên và có giải pháp căn cơ nhằm giải quyết dứt điểm vụ việc, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự ở địa phương".
Theo Ban Dân nguyện, đó là để có cơ sở báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đôn đốc, theo dõi, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đã gởi đến Quốc hội về vụ việc tại Sông Lô.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận