31/07/2024 17:02 GMT+7

Đề nghị thủ tục hải quan thông thoáng để tăng hấp dẫn cho cảng Cái Mép - Thị Vải

Cảng Cái Mép - Thị Vải có ưu thế vượt trội về tự nhiên, hạ tầng nhưng hiện chưa phát huy hết ưu thế này. Làm gì để hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng này ngày càng tăng?

Đề nghị thủ tục hải quan thông thoáng để tăng hấp dẫn cho cảng Cái Mép - Thị Vải- Ảnh 1.

Tàu container cập cảng Cái Mép - Thị Vải - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Chiều 31-7, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Tổng cục Hải quan tổ chức tọa đàm "Thúc đẩy dòng chảy hàng hóa xuất nhập khẩu qua cụm cảng Cái Mép - Thị Vải".

Các ý kiến tại đây đều thống nhất khẳng định Cái Mép - Thị Vải có lợi thế về thiên nhiên và là một trong hai cảng cửa ngõ đặc biệt của Việt Nam. Tuy vậy, do còn có điểm nghẽn nên Cái Mép - Thị Vải chưa phát huy hết lợi thế của mình.

Để gỡ điểm nghẽn, tạo dòng chảy hàng hóa xuất nhập khẩu về Cái Mép - Thị Vải, các ý kiến ở buổi tọa đàm cho rằng cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, cùng một lúc.

Đó là hạ tầng, là con người, cơ chế và thủ tục hành chính.

Theo các doanh nghiệp cảng, để có hàng xuất nhập khẩu về đây phải có nguồn hàng, tạo ra chân hàng.

Quang cảnh buổi tọa đàm tìm nguồn hàng xuất nhập khẩu cho cảng Cái Mép - Thị Vải - Ảnh: Đ.H.

Quang cảnh buổi tọa đàm tìm nguồn hàng xuất nhập khẩu cho cảng Cái Mép - Thị Vải - Ảnh: Đ.H.

Ông Phạm Anh Tuấn - tổng giám đốc Công ty cổ phần Thiết kế cảng - Kỹ thuật biển (Poatcoast) - cho biết để tạo nguồn hàng hóa xuất nhập khẩu cho Cái Mép - Thị Vải cần phát triển đường thủy nội địa, ven biển. Mục đích để đưa hàng hóa trong vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ lên cảng. Đồng thời cần đầu tư đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu như đường sắt Bắc - Nam nối dài.

Còn chuyên gia Đỗ Thiên Anh Tuấn cho rằng phải đặt vấn đề rằng Cái Mép - Thị Vải không chỉ phục vụ riêng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, mà rộng hơn là vùng Đông Nam Bộ, phía Nam và cả nước. "Đặt vấn đề như vậy mới có sự vào cuộc, vai trò của bộ ngành và Chính phủ", ông Tuấn nói.

Về công tác hải quan, có ý kiến đề xuất thủ tục hành chính phải thông thoáng hơn các nước trong khu vực thì mới thu hút được hàng hóa. 

"So sánh thủ tục hải quan giữa Việt Nam và Singapore thấy về quy định không khác nhau nhưng tốc độ của xử lý, thông quan của Singapore cực kỳ nhanh, rất thuận lợi cho thông quan", một ý kiến nêu lên.

Tại buổi tọa đàm, đại diện Tổng cục Hải quan cho biết trong những năm qua ngành đã triển khai hệ thống hải quan điện tử: thủ tục, thanh toán thuế, chứng nhận xuất xứ hàng hóa, giấy phép, bản lược khai. Việc này tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu với thủ tục luồng xanh chỉ mất 3-5 giây.

Ông Nguyễn Thanh Sang, phó cục trưởng Cục Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết luôn luôn cố gắng tránh thiệt hại cho doanh nghiệp về thời gian, không để hàng hóa phải chờ, tàu bè phải chờ.

Doanh nghiệp nêu ý kiến góp ý cho Cái Mép - Thị Vải phát triển - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Doanh nghiệp nêu ý kiến góp ý cho Cái Mép - Thị Vải phát triển - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Một doanh nghiệp cảng ghi nhận thủ tục hải quan đã có chuyển biến tích cực, thuận tiện. Tuy nhiên để Cái Mép - Thị Vải trở thành cảng trung chuyển quốc tế thì phải có quy định không cần mở niêm chì, mở tờ khai vận chuyển độc lập với hàng trung chuyển mới thu hút được hàng trung chuyển.

Theo các đại biểu, điểm nghẽn về hạ tầng, về kết nối sẽ được giải quyết trong vài năm tới khi cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Phước An, đường vành đai 4 TP.HCM và các cao tốc như TP.HCM - Chơn Thành, TP.HCM - Mộc Bài xong.

ACV thống nhất lấy 5,2 triệu m3 đất dư ở sân bay Long Thành làm cao tốc Biên Hòa - Vũng TàuACV thống nhất lấy 5,2 triệu m3 đất dư ở sân bay Long Thành làm cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Đất đắp cho cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đã được gỡ khó khi chiều nay 24-7, các đơn vị liên quan đã đồng ý hướng khai thác.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên