01/02/2013 07:45 GMT+7

Đề nghị tăng thời hạn giao đất

D.NGỌC HÀ - SƠN BÌNH
D.NGỌC HÀ - SƠN BÌNH

TT - Ngày 31-1, Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Long An tổ chức hội thảo tổng hợp kết quả tham vấn cộng đồng về dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) tại tỉnh Long An.

O9KSrkX8.jpgPhóng to
Một nông dân Long An chăm sóc ruộng lúa của mình - Ảnh: T.G.

Tại cuộc hội thảo, nhiều ý kiến của người dân trực tiếp sử dụng đất của bốn xã ở hai huyện Mộc Hóa và Đức Hòa đã được gửi đến những người có trách nhiệm trong việc xây dựng luật.

Nên giao đất có thời hạn... một đời người

"Khi có thay đổi về quy hoạch sử dụng đất phải thông báo cho dân biết tường tận, cụ thể để người dân có kế hoạch cho cuộc sống của mình"

Tại hội thảo, nông dân xã Đức Hòa Hạ (huyện Đức Hòa) cho rằng thời hạn giao đất nông nghiệp 20 năm theo quy định hiện hành là quá ngắn. “Tôi đề nghị giao đất cho nông dân ổn định, lâu dài. Trên giấy chủ quyền ghi lâu dài như đất ở” - đại diện người dân ở xã Đức Hòa Hạ kiến nghị. Ông Cao Văn Lộc, phó giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Long An, cũng đề nghị luật nên kéo dài thời hạn giao đất cho người dân, ít nhất cũng phải kéo dài được một đời người (khoảng 50-70 năm). Đồng tình với ông Lộc, đại diện Hội Nông dân tỉnh Long An đề xuất nên giao đất thời hạn 45-50 năm để người dân có thể yên tâm làm ăn hết một đời người.

Trao đổi về kiến nghị này, ông Đinh Xuân Thảo - viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp - cho biết theo dự thảo Luật đất đai sửa đổi thì thời hạn sử dụng đất được kéo dài đến 50 năm. Tuy nhiên, khi đoàn công tác tham vấn ý kiến của người dân ở một tỉnh miền Trung thì tại đây lại có kiến nghị rút ngắn thời hạn giao đất còn 10-15 năm. Sau thời hạn này, Nhà nước chia lại đất, thu hồi của người không có nhu cầu sử dụng, người già mất đi để giao cho người có nhu cầu, những gia đình trẻ... Ông Thảo nói sẽ lưu ý đặc điểm về sử dụng đất của từng vùng miền để kiến nghị đưa vào luật những quy định cho phù hợp.

Người dân thị trấn Mộc Hóa (huyện Mộc Hóa) cho rằng hạn mức giao đất nông nghiệp cho một hộ gia đình theo quy định hiện hành 3ha là quá thấp. Có gia đình có 20ha đất nông nghiệp nhưng chỉ được thế chấp 3ha, còn 17ha thì không được thế chấp để vay vốn. “Đề nghị luật mới quy định về hạn mức giao đất và hạn mức công nhận quyền sử dụng đất. Nếu Nhà nước giao đất thì áp dụng hạn mức 3ha, nhưng người dân bỏ tiền chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì Nhà nước cần công nhận không hạn chế diện tích” - ông Lộc đề xuất.

Quy hoạch không hợp lý phát sinh dự án “treo”

Tại hội thảo, người dân xã Tân Mỹ (huyện Đức Hòa) bức xúc về dự án sân golf 194ha trên địa bàn xã. Chủ đầu tư bồi thường xong năm 2007 nhưng đến nay mới chỉ trồng khoảng 1ha cây xanh. Diện tích còn lại để hoang, cỏ mọc um tùm trở thành một ổ chuột ngay tại xã. Chuột kéo ra cắn phá lúa của những cánh đồng bên cạnh khiến người dân mất trắng 80% năng suất lúa mà không biết kêu ai.

Nông dân xã Đức Hòa Hạ cho rằng lâu nay chủ đầu tư “chấm” địa điểm làm dự án rồi tự liên hệ với UBND tỉnh để xin đầu tư. Khi người dân biết thông tin thì chủ đầu tư đã được chấp thuận địa điểm, dự án đã thành chủ trương của Nhà nước, dân có góp ý cũng khó có thể sửa chữa được. Dự án “treo” là hệ quả của việc quy hoạch không phù hợp, không lấy ý kiến hoặc không tiếp thu ý kiến của người dân khi làm quy hoạch. Dân kiến nghị: quy hoạch ở trung ương thì 10 năm phải rà soát lại, thời gian rà soát quy hoạch ở cấp tỉnh là ba năm, ở cấp huyện chỉ cần hai năm. Không quy hoạch khu công nghiệp trên đất nông nghiệp. Và nhất là phải tạo điều kiện cho người dân tham gia có hiệu quả vào việc lập quy hoạch từ đầu. “Khi có thay đổi về quy hoạch sử dụng đất phải thông báo cho dân biết tường tận, cụ thể để người dân có kế hoạch cho cuộc sống của mình” - ông Nguyễn Văn Sáu, phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Long An, đề xuất.

Nông dân các xã bức xúc: có nhiều dự án thu hồi đất của dân đã lâu nhưng chưa có nhà, đất tái định cư; dân nhận bồi thường đất giá thấp nhưng phải mua nền tái định cư giá cao. Có dự án dân tái định cư trả hết tiền mua đất đã hai năm rồi nhưng chưa được cấp giấy chủ quyền. Các đại biểu kiến nghị Nhà nước phải chuẩn bị quỹ đất, nhà tái định cư, có kế hoạch đào tạo, chuyển đổi nghề cho dân ngay từ khi có quy hoạch. Nhà nước thu hồi đất của dân phải đồng thời với việc giao đất, nhà tái định cư và giấy chủ quyền, người dân yên tâm với cuộc sống mới.

Ông Đinh Xuân Thảo nhận định những ý kiến của người dân góp ý cho dự thảo luật rất đầy đủ, khách quan và xác thực. “Tôi sẽ tập hợp những câu chuyện thực tế và kiến nghị của người dân thành tài liệu và gửi cho từng đại biểu Quốc hội” - ông Thảo nói.

Từ ngày 1-2, triển khai lấy ý kiến dự thảo Luật đất đai (sửa đổi)

“Tôi rất mong các bộ, ngành, các tổ chức chính trị xã hội, các địa phương và toàn thể nhân dân cả nước tham gia tích cực, góp ý toàn diện cho dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), vì Luật đất đai tác động đến từng người dân và mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội” - Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã nói như vậy tại hội nghị trực tuyến ở phạm vi cả nước về nội dung tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) do Bộ Tài nguyên - môi trường tổ chức sáng 31-1.

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định dự án Luật đất đai (sửa đổi) là dự án rất quan trọng và phức tạp, là nguồn gốc, là cơ sở cho rất nhiều luật và hệ thống quy phạm pháp luật khác. “Chính phủ đã đề xuất xin ý kiến rộng rãi toàn dân về Luật đất đai (sửa đổi) với mục đích tiếp thu các ý kiến đóng góp để khắc phục và tháo gỡ những yếu kém, bất cập nêu trên” - Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Về hình thức lấy ý kiến nhân dân, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết từ ngày 1-2 đến 31-3, việc tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) sẽ được triển khai rộng rãi. “Đối tượng lấy ý kiến gồm: HĐND, UBND các cấp; các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp; tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức xã hội khác; các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, học viện, trường đại học; các tầng lớp nhân dân trên mọi miền cả nước. Toàn văn dự thảo sẽ được đăng trên báo Nhân Dân, Lao Động, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, trang thông tin của Bộ Tài nguyên - môi trường, Tổng cục Quản lý đất đai, trang thông tin điện tử của HĐND, UBND các tỉnh, thành phố để các cơ quan, tổ chức, cá nhân đóng góp ý kiến” - ông Quang nói. Theo ông Quang, ngoài việc góp ý trực tiếp tại các địa chỉ đăng dự thảo, các cá nhân, tổ chức có thể góp ý bằng văn bản qua đường bưu điện thì thư không phải dán tem.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Nguyễn Mạnh Hiển cho biết dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) được đưa ra lấy ý kiến lần này có nhiều điểm mới nhằm khắc phục những điểm bất cập của Luật đất đai 2003 đang thực thi. Theo ông Hiển, điểm mới đáng chú ý là ở khâu quy trình, thủ tục thu hồi đất đã được bổ sung quy định phải tổ chức họp để lấy ý kiến người dân về phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

XUÂN LONG

D.NGỌC HÀ - SƠN BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên