Quan điểm của ông Nguyễn Ðăng Chương - cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn - cho rằng: “Sắp tới đây, Bộ VH-TT&DL sẽ rà soát các cá nhân đi thi chui, nếu không chấp hành các quy định của pháp luật sẽ có văn bản gửi sang Bộ Công an và tạm dừng xuất nhập cảnh đối với đối tượng này” là chủ quan và chưa phù hợp quy định pháp luật.
Phải khẳng định rõ quyền tự do đi lại của công dân ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước đã được Hiến pháp ghi nhận. Các quy định liên quan hiện nay không có quy định nào về khái niệm “tạm dừng xuất cảnh” đối với công dân VN.
Nghị định 136/2007/NÐ-CP (và nghị định 65/2012 sửa đổi) về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân VN có quy định cụ thể một số trường hợp công dân VN ở trong nước chưa được xuất cảnh.
Ðối chiếu với hành vi của người đi dự thi người đẹp ở nước ngoài chưa được cấp phép vừa rồi, rõ ràng không thuộc trường hợp nào nêu trong nghị định này.
Bên cạnh đó, việc công dân VN đi thi người đẹp ở nước ngoài chưa được phép cũng không thuộc các trường hợp có thể xử lý theo “hành vi vi phạm hành chính về xuất nhập cảnh” tại điều 21, nghị định 167/2013 xử phạt vi phạm hành chính về an ninh trật tự.
Nghị định 158/2013/NÐ-CP này cũng không có hình phạt bổ sung nào để tạm dừng xuất cảnh người vi phạm, nên chỉ có chấp hành nộp tiền phạt là xong.
Nhưng trong thời gian chấp hành quyết định xử phạt, chưa nộp tiền phạt thì Bộ VH-TT&DL có quyền ra quyết định chưa cho xuất cảnh (theo quy định nghị định 136/2007) và gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an để thực hiện, nhưng chỉ nhằm mục đích đảm bảo thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính và phải ghi rõ thời gian chưa cho xuất cảnh, nên khi người vi phạm đã nộp phạt đầy đủ và thực hiện xong quyết định xử phạt thì Bộ VH-TT&DL phải có quyết định hủy bỏ quyết định trên ngay.
Còn nhiều bất cập Tôi cho rằng việc Cục Nghệ thuật biểu diễn quản lý, cấp phép cho các người đẹp đi thi là cần. Tuy vậy, cục nên nới lỏng hoặc thay đổi một số quy định, cơ chế trong việc xin giấy phép vì còn khá nhiều bất cập. Tôi xin đưa ra một vài ví dụ như điều lệ xin giấy phép yêu cầu người đăng ký dự thi ở nước ngoài phải nằm trong top 3 của một cuộc thi toàn quốc. Thực tế là mỗi năm chỉ có một, hai cuộc thi người đẹp mang tính toàn quốc nên rất ít sự lựa chọn cho các đơn vị tuyển người dự thi. Bản thân những người đẹp không có tên trong top 3 một cuộc thi nào đó không có nghĩa là họ không đẹp. Họ có thể thiếu một chút may mắn, phong độ trong cuộc thi không ổn định hoặc chưa đủ độ chín. Có rất nhiều người đẹp đã hoàn thiện hơn rất nhiều sau những cuộc thi mà họ về “tay trắng”. Một điều lệ nữa tôi cũng thấy bất cập đó là người mẫu trong nước thì không được đăng ký thi một cuộc thi hoa hậu tầm quốc tế, chỉ được tham gia cuộc thi người mẫu quốc tế. Trong khi đó, người mẫu trong nước vẫn có quyền đăng ký các cuộc thi hoa hậu trong nước. Thực tế, các cuộc thi quốc tế cũng không có quy định người mẫu không được thi hoa hậu. Mỗi cuộc thi người mẫu hay hoa hậu đều có tiêu chí riêng và thí sinh chỉ cần đáp ứng đủ các tiêu chí là có thể đăng ký dự thi. Như trường hợp Diệu Linh, cô ấy từng đoạt giải bạc trong cuộc thi người mẫu Ngôi sao tương lai 2012. Cô ấy trả lời báo chí là do thời gian gấp rút nên không kịp nộp đơn xin phép lên cục. Nhưng với quy định của cục thì tôi cho rằng cho dù có kịp xin phép Linh cũng chưa chắc được cho phép. Vì vậy mới xảy ra tình trạng thi chui để về chịu phạt dù có mang được về nước giải “Hoa hậu đẹp nhất khu vực Ðông Nam Á” và giải “Trang phục dân tộc đẹp nhất” ở cuộc thi “Hoa hậu du lịch quốc tế - Miss Tourism International 2014” tại Malaysia vừa qua. Tạm gọi việc ra nước ngoài thi sắc đẹp là “đi công tác” thì dĩ nhiên thí sinh dự thi phải xin phép và báo cáo. Theo tôi, phạt hành chính hay phạt cấm tham gia các hoạt động biểu diễn trong một khoảng thời gian nhất định là hợp tình hợp lý. Chứ còn tính tới việc dừng xuất nhập cảnh đối với những người đẹp thi hoa hậu không xin phép là hơi nặng vì xuất nhập cảnh là quyền công dân. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận