Nhiều doanh nghiệp đang áp dụng "3 tại chỗ" chỉ duy trì việc làm được cho khoảng 30% - 50% công nhân lao động - Ảnh: HÀ QUÂN
Tính tới 11-9, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam thống kê gói 26.000 tỉ đồng đã hỗ trợ cho trên 1,16 triệu lao động với số tiền gần 1,68 tỉ đồng và hơn 170.000 doanh nghiệp được giảm mức đóng vào Quỹ tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp với số tiền gần 1.1 tỉ đồng.
Tuy vậy, thực tế số người lao động thụ hưởng từ gói 26.000 tỉ rất thấp, với 1,16 triệu lao động trong số hơn 16,2 triệu lao động (chiếm khoảng 8%).
Do vậy, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị bổ sung 2 nhóm lao động chưa ký hợp đồng lao động, chưa tham gia bảo hiểm xã hội vào đối tượng thụ hưởng chính sách với mức 1,5 triệu đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày.
Thứ hai, nhóm viên chức, người lao động trong các đơn vị sự nghiệp công như nhà khách, trung tâm văn hóa, cơ sở đào tạo nghề cũng được hưởng chính sách hỗ trợ.
Thứ ba, lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương tại doanh nghiệp "3 tại chỗ" được bổ sung nhận hỗ trợ từ 1,85 đến 3,71 triệu đồng theo quy định tại nghị quyết 68.
Thứ tư, người lao động khi bị ngừng việc từ 14 ngày trở lên được hỗ trợ không cần điều kiện "tại các doanh nghiệp trong vùng phong tỏa, cách ly hoặc tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền".
Thứ năm, Công đoàn Việt Nam đề nghị xem xét dùng nguồn kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ cho tất cả người lao động đã và đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ 6 tháng trở lên.
Theo bà Trần Thị Thanh Hà, trưởng Ban quan hệ lao động (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam), các đề xuất đến từ khó khăn được các cấp công đoàn báo cáo như người lao động tại tỉnh thành áp dụng chỉ thị 16 không thể đến công ty ký kết văn bản tạm hoãn hợp đồng hoặc công chứng giấy tờ để hoàn thiện hồ sơ; chính sách đào tạo không đạt hiệu quả vì doanh nghiệp tập trung sản xuất, nếu có thì không thực hiện được…
Nhiều địa phương quy định hỗ trợ một số nhóm lao động tự do nhất định do ngân sách eo hẹp chứ không phải tất cả, nhưng do tuyên truyền chưa tốt khiến người dân hiểu tất cả lao động tự do được hỗ trợ dẫn đến bức xúc, hiểu lầm.
"Từ đó, nhiều đối tượng xuyên tạc, kích động tâm lý người dân để chống phá chính quyền", bà Hà cho hay.
Bộ Lao động, thương binh và xã hội đang lấy ý kiến bộ ngành, địa phương dự thảo sửa đổi, bổ sung nghị quyết 68 (gói 26.000 tỉ đồng) để trình Chính phủ.
Dự thảo của bộ này có nhiều điểm chính như điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp có doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ đào tạo việc làm cho lao động từ 10% xuống 5%; lao động bị chấm dứt hợp đồng không được hưởng trợ cấp thất nghiệp tại nơi thực hiện chỉ thị 16 được hưởng hỗ trợ…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận