05/11/2013 07:14 GMT+7

Đề nghị quy định Đảng Cộng sản là lực lượng lãnh đạo duy nhất

L.K.
L.K.

TT - Để phục vụ phiên thảo luận tại hội trường vào hôm nay 5-11 (phát thanh, truyền hình trực tiếp), đoàn thư ký kỳ họp đã gửi tới các đại biểu Quốc hội báo cáo tổng hợp ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tổ (ngày 23-10) về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

* Sẽ lấy phiếu thăm dò đại biểu những vấn đề còn ý kiến khác nhau

“Đã có 247 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến. Nhìn chung, các vị đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và cho rằng dự thảo được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng” - báo cáo viết.

Theo đó, báo cáo cho thấy các đại biểu Quốc hội đã góp ý rất chi tiết vào từng câu, chữ trong dự thảo. Ví dụ, với điều 4: Nhất trí với quy định của điều 4 (10 ý kiến). Đề nghị bổ sung mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ vào điều 4 (1 ý kiến). Ý kiến khác đề nghị giữ nguyên như Hiến pháp năm 1992 hiện hành (1 ý kiến). Đề nghị bổ sung cụm từ “mọi hoạt động của Nhà nước phải theo sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản” (1 ý kiến). Đề nghị bổ sung cụm từ “duy nhất” vào sau cụm từ “lực lượng lãnh đạo” (14 ý kiến).

Cạnh đó, có các ý kiến: Đề nghị quy định rõ cơ chế “Đảng chịu sự giám sát của nhân dân” và “chịu trách nhiệm trước nhân dân” như thế nào? (1 ý kiến); bổ sung cơ chế góp ý của nhân dân với Đảng (1 ý kiến). Đề nghị quy định rõ Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo bằng nghị quyết (1 ý kiến). Đề nghị quy định Đảng Cộng sản gắn bó mật thiết với nhân dân (1 ý kiến); bổ sung quy định về trách nhiệm của Đảng trước nhân dân và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật (1 ý kiến).

Đối với nội dung quy định về vai trò của kinh tế nhà nước tại điều 51, báo cáo cho thấy có những luồng ý kiến khác nhau: Nhất trí với nội dung quy định tại khoản này (14 ý kiến). Băn khoăn về quy định “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” vì quy định như vậy mâu thuẫn với quy định “các thành phần kinh tế bình đẳng”. Hơn nữa, thực tế vừa qua cho thấy nhiều doanh nghiệp nhà nước chưa thể hiện được vai trò chủ đạo và đã có nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoạt động không hiệu quả (10 ý kiến).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết: Sau phiên thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu thăm dò ý kiến đại biểu Quốc hội về một số điều, khoản của dự thảo còn có ý kiến khác nhau. Đại biểu Quốc hội cũng sẽ tự tay sửa vào bản dự thảo. Cuối cùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo chỉnh lý, bổ sung và trình Quốc hội bản dự thảo mới nhất để Quốc hội xem xét, thông qua. “Xin các đồng chí họp tổ cứ phát biểu, ra hội trường cứ phát biểu thể hiện chính kiến của mình, làm sao có những ý kiến tốt nhất, cố gắng tìm ra những chỗ cần phải tiếp tục chỉnh sửa. Quá trình thảo luận giống như mài ngọc, càng mài càng phải sáng” - ông Hùng phát biểu tại phiên thảo luận tổ, ngày 23-10.

L.K.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên