Phóng to |
Ông Nguyễn Hạnh Phúc (phả) tại cuộc họp báo chiều ngày 17-10 |
Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, tại kỳ họp tới đây Thủ tướng sẽ trình Quốc hội phê chuẩn hai phó thủ tướng mới. Cũng căn cứ vào đề nghị của Thủ tướng, Quốc hội sẽ miễn nhiệm chức vụ phó thủ tướng đối với ông Nguyễn Thiện Nhân và miễn nhiệm chức vụ bộ trưởng - chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đối với ông Vũ Đức Đam.
Về hai nhân sự phó thủ tướng sẽ được trình ra Quốc hội xem xét phê chuẩn, ông Nguyễn Hạnh Phúc nói gồm “Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh”, trong đó một người sẽ thay thế vị trí và công việc hiện nay của Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, người còn lại là nhân sự phó thủ tướng mà Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép tăng thêm so với số lượng phó thủ tướng hiện nay.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết thêm: “Nếu được Quốc hội phê chuẩn là phó thủ tướng thì ông Phạm Bình Minh sẽ tiếp tục kiêm chức bộ trưởng Bộ Ngoại giao... Liên quan đến chức vụ bộ trưởng - chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, sau khi Quốc hội tiến hành miễn nhiệm chức vụ này và phê chuẩn ông Vũ Đức Đam giữ chức vụ phó thủ tướng, Thủ tướng Chính phủ sẽ trình Quốc hội phê chuẩn. Tuy nhiên đến nay chúng tôi chưa thấy Thủ tướng trình phương án”.
Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Hạnh Phúc đã trả lời nhiều câu hỏi của báo chí.
* Về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, trước đây các đại biểu Quốc hội đã nhận được phiếu xin ý kiến về 13 vấn đề, vậy dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình ra kỳ họp tới đây có gì mới so với dự thảo tại kỳ họp trước?
- Thứ nhất là về nội dung chính quyền địa phương, chính quyền đô thị, do chưa kịp tổng kết nên dự thảo sửa đổi Hiến pháp vẫn để hai phương án. Một phương án giao cho luật quy định để sau này có điều kiện tổng kết, đánh giá kỹ lưỡng hơn, ví dụ như với chính quyền đô thị thì TP.HCM làm thí điểm chưa tổng kết, với việc không tổ chức HĐND huyện, quận, phường cũng chưa tổng kết... Phương án thứ hai quy định rõ hơn việc chính quyền gồm HĐND và UBND, có những cấp không có HĐND như ở quận, phường... Phương án hai tương đối cụ thể. Qua trao đi đổi lại ở hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vừa qua, nhiều ý kiến đề nghị phương án một theo hướng để chờ tổng kết làm kỹ hơn.
Thứ hai là về hội đồng Hiến pháp. Theo quy định hiện hành thì giao cho các ủy ban của Quốc hội, trong quá trình giám sát phát hiện văn bản vi phạm thì kiến nghị sửa đổi, hủy bỏ, ngoài ra Bộ Tư pháp giúp Chính phủ rà soát hệ thống văn bản. Bây giờ muốn có hội đồng Hiến pháp đảm nhiệm công việc này. Tuy nhiên vẫn còn băn khoăn là mô hình này chưa làm bao giờ, còn rất mới, vì vậy đã thiết kế hai phương án: một phương án có hội đồng Hiến pháp, phương án còn lại vẫn để như cũ nhưng có tăng cường nhân lực và cơ sở vật chất cho các ủy ban của Quốc hội để làm tốt hơn công việc nêu trên.
* Thưa ông, trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này có ghi “kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo” hay không? Liên quan đến dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), việc thu hồi đất chỉ trong trường hợp phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, công việc công cộng hay có cả thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội?
- Đây là những vấn đề mà trong hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách có nhiều ý kiến. Đương nhiên là kinh tế nhà nước phải chủ đạo. Không thể giao kinh tế tư nhân làm chủ đạo. Nếu kinh tế nhà nước không chủ đạo thì ai lo công tác đảm bảo an sinh xã hội? Còn các thành phần kinh tế đều bình đẳng như nhau, không phân biệt đâu là doanh nghiệp tư nhân, đâu là doanh nghiệp nhà nước, đâu là doanh nghiệp nước ngoài.
Về thu hồi đất, ngoài việc thu hồi cho mục đích quốc phòng, an ninh, công cộng, qua quá trình thảo luận thống nhất quy định cả kinh tế - xã hội nữa. Có băn khoăn quy định như vậy rộng quá. Tuy nhiên, lần này cùng với thảo luận dự thảo sửa đổi Hiến pháp thì Quốc hội sẽ thảo luận Luật đất đai (sửa đổi), vì vậy sẽ có quy định chi tiết kinh tế - xã hội ở đây bao gồm những lĩnh vực nào.
* Dự thảo sửa đổi Hiến pháp mới nhất có bổ sung nội dung về lấy phiếu tín nhiệm theo như nghị quyết của Quốc hội vừa qua không?
- Việc lấy phiếu tín nhiệm mới làm. Vừa qua nhiều cử tri cũng có đề nghị cụ thể về cách thiết kế các mức tín nhiệm ghi trên phiếu là hai mức hay ba mức. Vì đang trong quá trình tổng kết rút kinh nghiệm, chưa nên đưa vào trong Hiến pháp việc này.
10 ngày truyền hình, phát thanh trực tiếp kỳ họp Quốc hội Tại cuộc họp báo, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng cho biết kỳ họp Quốc hội lần này sẽ kéo dài từ ngày 21-10 đến 30-11, với nhiều nội dung quan trọng như xem xét, thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), xem xét các báo cáo về vấn đề kinh tế - xã hội, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Quốc hội cũng sẽ dành ba ngày để chất vấn và trả lời chất vấn, trong đó bao gồm cả thời gian trình bày báo cáo của Chính phủ đánh giá việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội tại các kỳ họp gần đây. Trong kỳ họp, Quốc hội sẽ dành 10 ngày làm việc với 22 phiên phát thanh, truyền hình trực tiếp trên VTV1 và VOV1 (chiếm khoảng 1/4 tổng thời lượng làm việc cả kỳ họp). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận