31/10/2018 21:15 GMT+7

Đề nghị phụ huynh giám sát chương trình sữa học đường

L.ANH
L.ANH

TTO - Đây là ý kiến của ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, tại hội nghị chuyên đề dinh dưỡng học đường, được Hiệp hội Sữa VN tổ chức ngày 31-10 tại Hà Nội.

Đề nghị phụ huynh giám sát chương trình sữa học đường - Ảnh 1.

Trẻ em trong ngày sữa thế giới - Ảnh: tư liệu TTO

Việc có hay không cho con tham gia chương trình đã trở nên ồn ào từ hơn một tháng trở lại đây.

Theo báo cáo tại hội nghị, mục tiêu của chương trình sữa học đường là đến 2020, 100% học sinh mẫu giáo và tiểu học ở các huyện nghèo được uống sữa theo chương trình sữa học đường. Ở các vùng còn lại, mục tiêu của chương trình là 70% các em được uống sữa học đường.

Trả lời báo chí bên lề hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Tống Xuân Chinh đề nghị nên có phụ huynh tham gia giám sát trong Ban Điều hành chương trình sữa học đường, nhằm giám sát hạn dùng, cách ghi nhãn hiệu, chất lượng của sữa tham gia chương trình.

Đồng thời Bộ Y tế, Công thương quản lý chất lượng sữa thành phẩm, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn quản lý chất lượng sữa tươi nguyên liệu.

Ông Chinh cũng cho rằng VN nên thực hiện rộng rãi chương trình này, do trong vòng 35 năm qua chiều cao trung bình của nam nữ thanh niên Việt mới cao thêm khoảng 4 cm.

Trong khu vực Đông Nam Á, thanh niên người Việt cao tương đương thanh niên Indonesia, nhưng thấp hơn thanh niên Malaysia, Thái Lan, Philippines, Singapore. Hiện cứ hơn năm trẻ dưới 5 tuổi có một bé suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và cứ hơn tám em có một em suy dinh dưỡng thể thấp còi.

Ông Chinh cũng dẫn thông tin nghiên cứu từ Nhật Bản cho rằng ảnh hưởng lớn nhất với phát triển chiều cao là dinh dưỡng (31%), di truyền (23%), luyện tập thể dục thể thao (20%), các yếu tố môi trường (16%) và tâm lý- xã hội (10%).

Ông Chinh cho biết chăn nuôi bò sữa trong nước hiện đủ khả năng đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho doanh nghiệp chế biến sữa phục vụ chương trình.

Tuy nhiên chất lượng, hạn dùng của sữa, giá sữa, có thể có một số trẻ dị ứng với sữa bò cần cải thiện dinh dưỡng bằng sản phẩm khác, cần cải thiện môi trường luyện tập thể dục thể thao song song với cải thiện dinh dưỡng cho trẻ là những vấn đề phụ huynh đang quan tâm và đang làm nóng xung quanh việc triển khai chương trình sữa học đường.

Ngoài đề nghị nên mời phụ huynh tham gia giám sát chương trình, ông Chinh cũng cho hay cần công khai và minh bạch các sản phẩm sử dụng cho chương trình, mức giá và chất lượng sản phẩm để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng chiều cao và sức bền cho trẻ, đồng thời không để nhà trường thành nơi tiêu thụ các sản phẩm chất lượng chưa đảm bảo.

Theo ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội sữa, cho đến nay có 13 tỉnh thành đã tổ chức chương trình sữa học đường, nhưng ngoài sữa tươi nên bổ sung các sản phẩm khác như sữa chua, phomat... vào chương trình.

Tỉnh Bắc Ninh là một trong 13 tỉnh thành này đã thí điểm triển khai chương trình từ 2013-2014 và thực hiện đại trà từ 2015-2016 với 211 trường cùng triển khai trong năm học 2018-2019.

Có 50% kinh phí mua sữa cho trẻ là ngân sách tỉnh, 25% do công ty sữa chi trả và bố mẹ đóng góp 25%. Kết quả của chương trình là tăng trưởng hàng năm về cân nặng và chiều cao của trẻ đều tốt hơn so với trước kia, trong đó về chiều cao tăng trưởng từ 2,3 cm/năm.

73 học sinh nhập viện nghi do ngộ độc sữa học đường

TTO - 70 học sinh tiểu học và 3 trẻ mầm non đã phải nhập viện sau khi uống sữa học đường tại một huyện miền núi ở Đồng Nai.

L.ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên