Người dân không còn phải chật vật chờ đổ xăng - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Công Thương liên quan tình hình cung ứng xăng dầu vào ngày 14-10, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết trong thời điểm khó khăn nhất, TP.HCM có 137/550 cây xăng ngưng phục vụ do hết xăng, dẫn đến rối loạn thị trường và dồn nén lên các hệ thống khác. Đến 11h ngày 14-10, vẫn còn 44 cửa hàng thiếu xăng, đang chờ cung cấp bổ sung.
Giải thích lý do khiến TP.HCM gặp khó trong cung ứng xăng dầu, ông Vũ cho biết do chỉ có 35-40% doanh nghiệp có vốn nhà nước, còn lại là các doanh nghiệp tư nhân không tham gia cả công đoạn nhập khẩu, phân phối, bán lẻ mà chỉ tham gia từng công đoạn.
Cụ thể, chỉ có các doanh nghiệp như Petrolimex, PVOIL, Saigon Petro… mới có thể chia sẻ trách nhiệm, chi phí nhập khẩu để phân phối cho hệ thống bán lẻ của mình.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp đầu mối bị rút giấy phép, nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận tín dụng… dẫn đến doanh nghiệp giảm nhập khẩu, giảm nguồn cung.
Do đó TP.HCM kiến nghị nới room tín dụng cho các doanh nghiệp xăng dầu để có thể tăng nhập, đảm bảo nguồn cung. Liên quan đến chiết khấu cho bán lẻ, ông Vũ đề xuất cần tính toán phân bổ chi phí, đảm bảo lợi ích hài hòa trong chuỗi cung ứng xăng dầu.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết bộ đã thực hiện nhiều biện pháp ổn định thị trường và tăng nguồn cung xăng dầu, trong đó đã yêu cầu hai nhà máy lọc dầu trong nước tăng công suất tối đa cho phép.
Cũng theo ông Hải, chi phí nhập xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh, song chi phí nhập khẩu về vẫn tăng rất cao, nên bộ tiếp tục báo cáo Chính phủ để có hướng giải quyết cho doanh nghiệp.
Ngoài ra bộ cũng đề xuất các giải pháp để các ngân hàng hỗ trợ về room tín dụng, giúp các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn tín dụng và nhập hàng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận