28/04/2014 22:48 GMT+7

Đề nghị nâng số đại biểu Quốc hội chuyên trách lên 50%

HỮU KHÁ
HỮU KHÁ

TT - Ngày 28-4, tại Đà Nẵng, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể để thẩm tra, cho ý kiến về dự án Luật hộ tịch, Luật tổ chức Quốc hội...

Trình bày về dự án Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi), ông Nguyễn Hạnh Phúc, chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng dự thảo luật lần này quy định tỉ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách ít nhất 35% tổng số đại biểu Quốc hội.

Vì sao tỉ lệ đại biểu không chuyên trách bị khống chế ở mức 35%? Đại biểu Trần Ngọc Vinh, phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng, hỏi như vậy và nói hiện số lượng đại biểu không chuyên trách quá nhiều. “Đại biểu không chuyên trách bận rộn nhiều việc quá. Vì hiện ta không có chế tài xử lý nên đại biểu đôi lúc cũng không về tiếp xúc cử tri, các cuộc đi giám sát thì toàn cáo bận”. Ông Vinh đề nghị phải có ít nhất hai đại biểu chuyên trách tại một đoàn đại biểu Quốc hội.

Đồng quan điểm với ông Vinh, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật, nói rằng chất lượng đại biểu Quốc hội là chất lượng hoạt động của Quốc hội. Vì sao lại ấn định đại biểu chuyên trách là 35% mà không phải cao hơn? “Tôi cho rằng chúng ta nên nâng mức đại biểu Quốc hội chuyên trách lên 50%. Tôi không phải chê đại biểu không chuyên trách bởi vì các đồng chí kiêm nhiệm quá nhiều việc, bị ngốn hết thời gian. Có đại biểu thực tế tài liệu gửi đến mà phong bì vẫn để nguyên vì không có thời gian” - ông Cương cho biết.

Ông Ngô Văn Minh, ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nói: “Có vị đại biểu khi ứng cử thì đứng trước cử tri hứa nếu trúng cử thế nào tôi cũng quay lại vùng này, ngủ với bà con một đêm. Nhưng sau khi trúng cử rồi thì bỏ đi không thấy quay lại. Sau đó thấy đại biểu đi tiếp xúc cử tri xe pháo chạy rầm rầm, dân đời nào cầm được cái tay của đại biểu Quốc hội chứ nói gì ngủ một đêm với bà con, nhất là vùng sâu vùng xa”. Ông Nguyễn Bá Thuyền, phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, cho rằng một thực tế rất bất cập hiện nay là công tác giám sát của các đoàn đại biểu khi về địa phương. “Đa số về chỉ để nghe báo cáo. Cứ từng đoàn xe cộ chạy rầm rầm đến, nói nói, chỉ chỉ tay rồi đi” - ông Thuyền nói.

Tại phiên họp thẩm tra dự án Luật hộ tịch, nhiều đại biểu băn khoăn khi luật thông qua, liệu công dân có giảm bớt các loại giấy tờ tùy thân như sổ hộ khẩu, thẻ căn cước, giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn, mã số thuế... bởi sau Luật hộ tịch còn có Luật căn cước, Luật cư trú, Luật hôn nhân gia đình... Nếu không nghiên cứu kỹ sẽ dẫn đến chồng chéo, lãng phí và phiền hà cho người dân khi tiến hành các thủ tục hành chính. Về mặt quản lý nhà nước, một số đại biểu đề nghị cần xem xét nên giao cho một cơ quan chức năng nhà nước nghiên cứu, xây dựng một loại giấy tờ duy nhất về quản lý công dân. Ông Phan Trung Lý, chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nói bây giờ có hai bộ quản lý vấn đề này, nếu không khéo sẽ có sự trùng lặp, lãng phí.

Lãnh đạo sẽ có trách nhiệm hơn

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Bá Thanh, trưởng Ban Nội chính trung ương, tại buổi tiếp xúc cử tri quận Thanh Khê (Đà Nẵng) ngày 28-4. Cử tri Hà Ngọc Chức (P.Thanh Khê Đông) bày tỏ: Hiện nay có rất nhiều vụ án kinh tế dẫn đến sai phạm, thất thoát hàng chục, thậm chí hàng trăm ngàn tỉ đồng. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có một lãnh đạo nào đứng ra nhận trách nhiệm và công khai xin lỗi trước nhân dân. Ngoài ra, một số cử tri còn phản ảnh hiện nay đất nước chưa phát huy hết nội lực để phát triển mà ỷ vào các nguồn vốn ODA, các gói viện trợ từ nước ngoài quá nhiều.

Ông Nguyễn Bá Thanh ghi nhận những ý kiến đóng góp, phản ảnh của cử tri là xác đáng, đúng với thực tế và sẽ đề đạt lên Quốc hội vào kỳ họp tới. Ông Thanh cũng cho rằng thời gian qua các bộ ngành trung ương đã rất quyết liệt trong việc xử lý các cán bộ, lãnh đạo cấp cao vi phạm. Ông Thanh cho biết tới đây các cấp lãnh đạo sẽ có trách nhiệm hơn trong việc xử lý cũng như gánh chịu những hệ quả do mình quản lý. “Riêng việc sử dụng nguồn vốn ODA và các gói viện trợ nước ngoài, đây là một chính sách phù hợp bởi vì các nguồn vốn này cho vay với lãi suất thấp, thời gian cho vay kéo dài hàng chục năm, trong khi nước ta còn khó khăn, thiếu thốn đủ bề. Điều quan trọng là sử dụng nguồn vốn đó phải hiệu quả, đúng mục đích và không lãng phí” - ông Thanh nói.

PH.CHUNG - TR.TRUNG

HỮU KHÁ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên