Ông Phan Xuân Dũng - chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội - nhấn mạnh những đóng góp, kiến nghị của các nhà khoa học sẽ được tiếp thu khi xây dựng các dự thảo luật, nghị quyết - Ảnh: HỒNG QUÂN
Hội thảo do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội cùng một số bộ, cơ quan tổ chức.
Các chuyên gia cho rằng bảo đảm nguồn nước và nước sạch là vấn đề cấp thiết tại Việt Nam vì thiệt hại về nước hằng năm chiếm khoảng 3% GDP.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Hữu Ninh, chủ tịch hội đồng quản lý Trung tâm nghiên cứu giáo dục môi trường và phát triển, nhận ra tiềm năng của Việt Nam. Ông dẫn chứng việc Israel biến nước mặn thành nước ngọt, bán cho các nước khác với giá cao.
Việt Nam có thể học hỏi và tận dụng lợi thế trở thành nước xuất khẩu nước lớn nhất thế giới. Tổng lượng nước trung bình năm 830 tỉ m3 trong khi tổng lượng nước khai thác, sử dụng hằng năm chỉ khoảng 80,6 tỉ m3 (hơn 80% lượng nước sử dụng cho nông nghiệp).
Do đó, cần phải có quy định khuyến khích xã hội hóa nguồn nước; quy định rõ ràng vai trò cơ quan quản lý nguồn nước, quản lý khai thác nguồn nước; xây dựng quy hoạch tài nguyên nước quốc gia; trao đổi số liệu sử dụng nước với nước ngoài (Lào, Trung Quốc)…
GS.TS Vũ Trọng Hồng - nguyên thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn - đề nghị phải luật hóa an ninh nguồn nước trong Luật phòng chống thiên tai, Luật thủy lợi để cho người dân biết. Khi luật hóa, các cơ quan chức năng cũng có trách nhiệm hơn với giải quyết vấn đề an ninh nguồn nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận