18/11/2012 07:30 GMT+7

Đề nghị lập đường dây nóng về biển Đông

KHỔNG LOAN (từ Phnom Penh) - H.T.
KHỔNG LOAN (từ Phnom Penh) - H.T.

TT - Tại Hội nghị ngoại trưởng ASEAN diễn ra tại Phnom Penh (Campuchia) ngày 17-11 để chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh ASEAN hôm nay 18-11, Indonesia đã đề xuất ASEAN và Trung Quốc lập đường dây liên lạc khẩn cấp nhằm kiềm chế nguy cơ xung đột trên biển Đông.

2EZAKEDT.jpgPhóng to

Thiếu nhi Campuchia tặng hoa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại sân bay Phnom Penh - Ảnh: TTXVN

""

Trong cuộc họp báo chiều 17-11, Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan khẳng định đề nghị của Indonesia là một sáng kiến thực tế. “Với đường dây nóng này, lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc sẽ lập tức được thông báo về những bất thường xảy ra trên biển. Qua đó, họ sẽ nhanh chóng giải quyết, ngăn chặn không để vấn đề bùng phát đến mức không thể kiểm soát”. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi hi vọng sẽ cùng hợp tác để giải quyết vấn đề này”.

Cùng ngày, Tân Hoa xã dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố Trung Quốc và ASEAN sẽ tiếp tục hợp tác để xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC). Tại Phnom Penh, Quốc vụ khanh Campuchia Kao Kim Hourn khẳng định quá trình thương lượng để xây dựng COC vẫn đang diễn ra “ở mức độ khiến các bên đều thấy thoải mái” và “không có một khung thời gian nào được đặt ra”.

Sáng kiến “Đối tác kinh tế toàn diện khu vực”

Tại Hội nghị ASEAN tháng 7-2012, các nước đã không đưa ra được tuyên bố chung. Trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ, ông Pitsuwan nhấn mạnh hội nghị lần này “chắc chắn sẽ có tuyên bố chung” và “mọi việc vẫn đang diễn ra tốt đẹp”.

Sáng 18-11, các nhà lãnh đạo ASEAN ký thông qua tuyên bố nhân quyền ASEAN, cam kết khu vực đầu tiên nhằm bảo vệ nhân quyền, mang tính bước ngoặt lịch sử. ASEAN cam kết sẽ thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền cùng dân chủ, pháp trị và quản trị tốt. Tuyên bố nhân quyền bắt đầu bằng nguyên tắc: “Tất cả mọi người đều sinh ra tự do và có quyền bình đẳng, được luật pháp bảo vệ”. Tuy nhiên, Quốc vụ khanh Campuchia Kao Kim Hourn thừa nhận tuyên bố nhân quyền ASEAN “không phải là một văn kiện hoàn hảo”, nhưng ông nhấn mạnh nó vẫn đang trong quá trình hình thành. Ông Pitsuwan cho rằng bản tuyên bố dù còn có những điểm yếu nhưng cho thấy sự tiến bộ về nhân quyền của ASEAN.

Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì quan điểm lỗi thời là không “quốc tế hóa” vấn đề biển Đông. Thời Báo Hoàn Cầu đưa tin từ Bắc Kinh, Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Phúc Oánh mô tả vấn đề biển Đông “bị thổi phồng”, do đó Trung Quốc không muốn biển Đông “phủ bóng” lên Hội nghị thượng đỉnh Đông Á diễn ra tại Phnom Penh từ ngày 19-11. “Thảo luận về vấn đề này cần quay lại khuôn khổ Trung Quốc và ASEAN. Thảo luận ở các diễn đàn khác chỉ ảnh hưởng đến đường hướng hợp tác” - bà Phúc Oánh tuyên bố.

Tuy nhiên, nguồn tin báo chí Mỹ cho biết chắc chắn Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ đề cập vấn đề biển Đông tại Phnom Penh. Nhiều khả năng ông Obama sẽ nhấn mạnh Mỹ có lợi ích cơ bản trong việc duy trì tự do hàng hải trên biển Đông. Ông cũng sẽ kêu gọi ASEAN và Trung Quốc nhanh chóng đạt thỏa thuận về COC. Trước đó, Tổng thống Philippines Benigno Aquino khẳng định tại Phnom Penh sẽ kêu gọi Trung Quốc chấp nhận ký kết một COC đa phương nhằm ngăn chặn xung đột trên biển Đông.

Tại cuộc họp báo, ông Surin Pitsuwan cho biết ngoài vấn đề biển Đông, Hội nghị ASEAN và Hội nghị Đông Á sẽ tập trung vào các vấn đề kinh tế. Hội nghị ASEAN sẽ chứng kiến sự ra đời của sáng kiến Đối tác kinh tế toàn diện khu vực. Thông qua sáng kiến này, năm thỏa thuận tự do thương mại hiện có giữa ASEAN với sáu nước Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand sẽ được kết hợp một thỏa thuận lớn. Các vấn đề năng lượng, biến đổi khí hậu, giáo dục, phát triển nguồn nhân lực cũng sẽ được thảo luận.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến Thủ tướng Campuchia Hun Sen

Theo TTXVN, chiều 17-11 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam đã đến Phnom Penh, bắt đầu chuyến tham dự Hội nghị ASEAN 21 và Hội nghị Đông Á. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc hội kiến với Thủ tướng Campuchia Hun Sen.

Tại cuộc hội kiến, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Campuchia Hun Sen trao đổi về việc đẩy mạnh hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực về chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, an ninh - quốc phòng. Hai bên khẳng định sẽ triển khai hiệu quả các thỏa thuận hợp tác, thúc đẩy công tác phân giới cắm mốc trên đất liền nhằm xây dựng đường biên giới Việt Nam - Campuchia thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác.

Hai nhà lãnh đạo khẳng định quyết tâm cùng các nước ven sông khác bảo đảm sử dụng hợp lý và bền vững nguồn nước sông Mekong. Hai thủ tướng cũng cam kết tiếp tục tăng cường phối hợp giữa hai nước tại các diễn đàn khu vực và quốc tế.

KHỔNG LOAN (từ Phnom Penh) - H.T.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên