Ngày 10-7, tại phiên chất vấn kỳ họp giữa năm 2024 Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai, đại biểu Ra Lan Song Linh (huyện Krông Pa) đề nghị làm rõ thông tin phản ánh của báo chí về vụ việc xảy ra tại Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Puch, huyện Chư Prông.
Ông Song Linh dẫn thông tin báo chí phản ánh gần 360ha đất rừng phòng hộ tại khu vực này đã bị lấn chiếm trồng cây cao su hơn 10 năm qua.
Đến nay, cây cao su đã lớn, nhiều năm cho thu hoạch mủ nhưng kỳ lạ là cơ quan chức năng chưa tìm ra ai là chủ rừng cao su.
Ông Linh đề nghị lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin vụ việc này cho cử tri được biết.
Trả lời vấn đề này, ông Lưu Trung Nghĩa, giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, nói sai phạm tại Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Puch đã xảy ra từ năm 2011.
Hiện nay, cơ quan điều tra đang tiếp tục điều tra tổ chức, cá nhân đứng sau lấn chiếm đất rừng trồng cao su. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tích cực chỉ đạo ban quản lý rừng cùng địa phương phối hợp với cơ quan điều tra để sớm kết luận vụ án này.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng diện tích đất rừng bị lấn chiếm tại Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Puch là 1.228ha. Trong số này, có gần 360ha đất rừng bị chiếm để trồng cây cao su.
Trao đổi với phóng viên, ông Lưu Trung Nghĩa cho biết trong vụ này đại diện chủ rừng là hai cựu trưởng ban quản lý rừng phòng hộ Ia Puch đã bị Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai xét xử về tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Đối với việc phá rừng trồng cao su trên diện tích 360ha tại Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Puch mà Tuổi Trẻ Online phản ánh, hiện Công an tỉnh Gia Lai đã tách ra thành vụ án riêng để điều tra về hành vi hủy hoại rừng.
Đã xác minh diện tích cao su trên đất rừng phòng hộ
Như Tuổi Trẻ Online đã phản ánh, gần 360ha cao su đang kỳ cho mủ mọc trên đất rừng phòng hộ tại Gia Lai không có ai nhận là chủ, nhưng vẫn khai thác thường xuyên.
Khu rừng gần 360ha cao su này đang nằm trong lâm phần Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Puch, huyện Chư Prông.
Đáng chú ý, do sự tồn tại của rừng cao su trên đất rừng phòng hộ là sai quy định pháp luật, nên từ trước đến nay chưa có tổ chức hay cá nhân nào đứng ra nhận chủ sở hữu.
Đến nay, hàng trăm héc ta cây cao su đang ở độ tuổi trưởng thành, có những cây đường kính đạt 40cm và cho mủ thường xuyên.
Sau khi báo chí phản ánh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đi kiểm tra, xác minh và nhận thấy khu vực này trồng cây cao su với chiều cao trung bình 8 mét, đường kính trung bình 22cm. Ngoài ra, khu vực có dấu vết của việc khai thác mủ cao su, có máng, chén, kiềng...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận