Cột ống khói thứ nhất còn lại của Nhà máy kẽm Quảng Yên - Ảnh: V.V.Tuân |
Việc bảo vệ nhà máy kẽm là cố gắng của các nhà khoa học để “làm mẫu” cho việc phanh lại quá trình tự phá các di sản thời Pháp, mở ra chương mới để chúng ta có ý thức giữ lại các di sản thời Pháp một cách bài bản, khoa học, có ý thức |
Ngày 3-6, UBND thị xã Quảng Yên có công văn gửi Công ty Sao Vàng, đồng ý chủ trương để công ty này tháo dỡ một phần phía trên (20m) ống khói số 1 Nhà máy kẽm Quảng Yên. Công văn cũng đề nghị việc tháo dỡ phải khẩn trương hoàn thành trước mùa mưa bão năm 2016, với kinh phí do Công ty Sao Vàng chi trả.
Trước đó ngày 27-5, dựa trên cơ sở cuộc kiểm tra liên ngành ngày 29-4, UBND tỉnh Quảng Ninh có công văn chấp thuận chủ trương tháo dỡ một phần di tích Nhà máy kẽm Quảng Yên vì lý do: “Ống khói số 1 đã bị bong tróc, nứt vỡ, xuống cấp nghiêm trọng gây mất an toàn trong khu vực”.
Công văn cũng đề nghị UBND thị xã Quảng Yên và Sở VH-TT&DL tỉnh mời thêm các đơn vị chuyên ngành, các chuyên gia văn hóa, lịch sử kiểm tra, khảo sát thực tế hiện trạng ống khói số 2 và phần còn lại của ống khói số 1 để tham mưu báo cáo UBND tỉnh xem xét bảo tồn, tôn tạo.
Tuy nhiên sáng 7-6, sau khi đi khảo sát hiện trường Nhà máy kẽm Quảng Yên, đoàn các chuyên gia gồm các nhà nghiên cứu lịch sử, di sản, kiến trúc sư, đại diện Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT&DL), Phòng văn hóa thị xã Quảng Yên...lại cho rằng việc các cơ quan địa phương đánh giá nhà máy kẽm có nguy cơ sụp đổ, mất an toàn là chưa thật chính xác. Vì thế, các ý kiến đều thống nhất nên hoãn việc tháo dỡ nhà máy kẽm.
TS Trần Bá Việt - phó viện trưởng Viện Khoa học công nghệ xây dựng - đánh giá nhà máy kẽm đủ tiêu chuẩn là một di sản công nghiệp đầu tiên ở VN. “Tôi nhận thấy hai ống khói có giá trị về mặt lịch sử tiền công nghiệp, gắn với sự phát triển của Quảng Yên. Vì thế, rất nên bảo tồn di tích này dù nó chưa được các cấp công nhận. Tôi nghiêng về phương án bảo tồn một số hiện vật gắn với cảnh quan xung quanh. Đó là giữ lại hai ống khói và nhà mái vòm ở chân ống khói thứ hai. Kiến trúc nhà mái vòm này rất có giá trị về mặt vật liệu, công nghệ, lịch sử... Khi nó đã là di sản thì kể cả khi xuống cấp cũng phải tìm cách giữ lại bằng cách gia cố” - TS Trần Bá Việt nêu ý kiến.
GS.TSKH Vũ Minh Giang - phó chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia - đồng tình: “Về giá trị nhiều mặt của di tích này có thể bàn nữa, nghiên cứu thêm nhưng đó là di tích kiến trúc công nghiệp đầu thế kỷ 20 rất đáng được bảo tồn. Hơn nữa đây là nơi sản xuất kẽm có vị trí cao ở khu vực Đông Nam Á và thế giới”.
Ông cho rằng việc địa phương đánh giá nhà máy kẽm có nguy cơ sụp đổ, gây nguy hiểm là chưa thật xác đáng. Vì thế, ông đề nghị các nhà khoa học, Cục Di sản văn hóa, Hội Di sản văn hóa... cần kiến nghị tỉnh Quảng Ninh hoãn việc tháo dỡ nhà máy kẽm, để các nhà khoa học tham gia kiểm tra, đo đạc, đánh giá hiện trạng, tổ chức hội thảo... về việc có nên tháo dỡ công trình này hay không.
TS Nguyễn Việt - giám đốc Trung tâm tiền sử Đông Nam Á - cũng đồng tình rằng nhà máy kẽm cần được coi là di sản, dù chưa được xếp hạng.
PGS.TS Đặng Văn Bài - phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa VN - cho biết Quảng Ninh có hai dấu ấn công nghiệp là cảng chuyển than và dỡ than Hòn Gai thì đã bị phá, vì thế nhà máy kẽm là công trình duy nhất còn lại để ghi lại dấu ấn công nghiệp nơi đây.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận