Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và là người phát ngôn của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý vừa trình bày trước Quốc hội “Báo cáo về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên cơ sở ý kiến nhân dân”.
Toàn văn Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên cơ sở ý kiến nhân dân
Phóng to |
Toàn cảnh hội trường phiên khai mạc kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII - Ảnh: Việt Dũng |
Báo cáo đã nêu rõ nhiều loại ý kiến khác nhau của nhân dân về các nội dung trong dự thảo và giải trình những vấn đề không được Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tiếp thu.
“Việt Nam Dân chủ cộng hòa”
Về tên nước, ông Lý cho biết tập hợp ý kiến nhân dân có hai loại ý kiến chính: Loại ý kiến thứ nhất đa số đề nghị tiếp tục quy định tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tên gọi này ra đời trong bối cảnh nước ta vừa hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, thống nhất đất nước, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, khẳng định rõ con đường, mục tiêu xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN) của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Tên gọi này đã được sử dụng ổn định từ tháng 7-1976 đến nay, đã được chính thức ghi nhận trong Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992. Hơn nữa, việc thay đổi tên nước trong thời điểm hiện nay sẽ dẫn đến những hệ quả không có lợi, thậm chí có thể bị xuyên tạc là ta đang xa rời mục tiêu, con đường lên chủ nghĩa xã hội và làm phát sinh nhiều thủ tục hành chính, gây tốn kém, phức tạp.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị lấy lại tên gọi Việt Nam dân chủ cộng hòa vì tên gọi này gắn liền với sự ra đời của chính thể cộng hòa đầu tiên ở nước ta, là thành quả của cuộc cách mạng giành độc lập tháng 8-1945. Tên gọi này đã được chính thức ghi nhận trong Bản Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên đọc ngày 2-9-1945 và tiếp tục được khẳng định trong Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, thể hiện rõ thể chế chính trị của nước ta là cộng hòa, bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước dân chủ.
Ý kiến này cho rằng việc lựa chọn tên nước là Việt Nam dân chủ cộng hòa không làm ảnh hưởng đến mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội của nước ta, vì Lời nói đầu cũng như các quy định khác của dự thảo đều khẳng định con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Ngoài ra, cũng có ý kiến đề nghị một số tên gọi khác.
“Trên cơ sở nghiên cứu các ý kiến nêu trên, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp nhận thấy tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc Việt Nam dân chủ cộng hòa đều thể hiện rõ chính thể của nước ta là cộng hòa, bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước dân chủ. Tuy nhiên, việc giữ nguyên tên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhằm tiếp tục khẳng định mục tiêu, con đường xây dựng và phát triển đất nước lên chủ nghĩa xã hội, bảo đảm tính ổn định, tránh việc phải thay đổi về quốc huy, con dấu, quốc hiệu trên các văn bản, giấy tờ. Hơn nữa, trải qua 37 năm, tên gọi này đã trở nên quen thuộc đối với nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế” - ông Lý nói.
“Nhân dân có vai trò rất quan trọng”
Liên quan đến vai trò của nhân dân trong sửa đổi Hiến pháp, ông Lý trình bày: Loại ý kiến thứ nhất tán thành với quy trình sửa đổi Hiến pháp là giao Quốc hội quyết định việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp như quy định tại Điều 124 của dự thảo.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị Hiến pháp phải được trưng cầu ý dân (hoặc phúc quyết) sau khi được Quốc hội thông qua. Bởi vì Hiến pháp là đạo luật gốc, đạo luật cơ bản, thể hiện chủ quyền của nhân dân, ý chí, nguyện vọng của nhân dân nên phải do nhân dân quyết định. Việc nhân dân quyết định Hiến pháp thông qua trưng cầu ý dân nhằm khẳng định quyền cao nhất của nhân dân là chủ thể của Hiến pháp, tạo nền tảng vững chắc cho hiệu lực của Hiến pháp, nâng cao ý thức và quyền làm chủ của nhân dân trong việc tôn trọng và thi hành Hiến pháp.
Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp báo cáo về vấn đề này như sau: Nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước ở nước ta là tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Vì vậy, nhân dân có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp. Thực tiễn lập hiến ở Việt Nam cho thấy nhân dân tham gia vào tất cả các công đoạn của quy trình lập hiến, từ việc tổng kết thi hành Hiến pháp đến việc xây dựng và tham gia ý kiến vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình Quốc hội thông qua. Do đó, về thực chất, dự thảo sửa đổi Hiến pháp trước khi trình Quốc hội thông qua đã thể hiện ý chí và trí tuệ của nhân dân.
Vì vậy, quy định Quốc hội thông qua Hiến pháp không trái với nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Mặt khác, trưng cầu ý dân về Hiến pháp là việc hệ trọng nên cần phải được cân nhắc một cách toàn diện, phù hợp với tình hình, đặc điểm của từng giai đoạn phát triển của nước ta. Do đó, để kết hợp giữa thẩm quyền của Quốc hội và quyền của nhân dân trong việc xây dựng Hiến pháp, đề nghị quy định “Việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp do Quốc hội quyết định”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận