Phóng to |
Linh mục Nguyễn Công Danh phát biểu tại hội nghị - Ảnh: TTXVN |
Sau khi nghe ông Phạm Minh Tuyên - tổng thư ký Hội đồng bầu cử - trình bày dự kiến của Ủy ban Thường vụ QH về cơ cấu, thành phần, số lượng, đa số ý kiến các thành viên đoàn chủ tịch tại hội nghị đều đề nghị giảm số lượng đại biểu QH là người của cơ quan hành pháp, tăng đại biểu QH chuyên trách và mở rộng cơ cấu đại biểu là người ngoài Đảng để có một QH đa dạng, dân chủ.
Giảm bớt ghế hành pháp trong QH
“Tôi nghĩ cơ quan hành pháp nên xin giảm bớt ghế trong QH đi. Anh làm bộ trưởng, làm bí thư tỉnh ủy, làm chủ tịch tỉnh thì ráng làm công việc của mình cho tốt, để công việc đại biểu QH cho người khác làm” - phó chủ tịch Ủy ban trung ương MTTQ VN Trần Hoàng Thám đề nghị. Đề nghị này được nhiều ý kiến trong đoàn chủ tịch đồng tình. Từng là đại biểu QH khóa XI, ông Võ Quốc Thắng phân tích: “Sau khi ngồi một khóa ở QH tôi mới ngộ ra là mình có tội với dân, vì công việc đại biểu nhiều như vậy nhưng mình phải bỏ ra tới 50% thời gian để làm việc riêng. Tôi thấy rất tội cho các ông bí thư, chủ tịch, giám đốc sở các tỉnh thành vì các vị ấy cứ đang họp QH lại phải chạy về giải quyết công việc địa phương. Tôi nghĩ ở mỗi tỉnh thành chỉ cần một vị trong ban thường vụ tỉnh ủy kiêm đại biểu QH là đủ rồi, đằng này tôi thấy có địa phương cả bí thư hoặc chủ tịch cùng với vài ông giám đốc sở đi họp QH”.
Ủng hộ ý kiến trên, nguyên phó chủ tịch Ủy ban trung ương MTTQ VN Đỗ Duy Thường nói thêm: “Chính phủ là cơ quan quản lý, điều hành thì nên tập trung vào công việc của mình. Trong Chính phủ thì chỉ thủ tướng, một phó thủ tướng và bộ trưởng một số bộ mang tính chất tổng hợp mới nên tham gia QH, còn các thành viên khác của Chính phủ không nên kiêm đại biểu QH vì luật đã quy định là QH họp thì các bộ trưởng được mời”.
- Tổng số đại biểu QH: 500, trong đó đại biểu ở trung ương: 183, đại biểu ở địa phương: 317. - Khối cơ quan Đảng có 34 đại biểu, trong đó trung ương có 11 đại biểu, địa phương 23 đại biểu. - Khối QH và HĐND: 196 đại biểu, trong đó đại biểu QH chuyên trách ở trung ương là 100 (khóa XII là 85 người); đại biểu QH chuyên trách ở địa phương là 65 (mỗi tỉnh thành được một đại biểu, riêng Hà Nội và TP.HCM được hai đại biểu); HĐND tỉnh thành là 31 đại biểu. - Khối cơ quan Chủ tịch nước: 3 đại biểu. - Khối cơ quan Chính phủ: 20 đại biểu. - Khối MTTQ và các tổ chức thành viên: 82 đại biểu, trong đó trung ương 31 đại biểu. - Khối dân tộc thiểu số: 90 đại biểu; nữ 150 đại biểu; người ngoài Đảng 50-75 đại biểu; trẻ (dưới 40 tuổi) là 70 đại biểu. |
Nên để tối thiểu 20% ghế cho người ngoài Đảng
Theo chủ nhiệm hội đồng tư vấn về lĩnh vực văn hóa xã hội của Ủy ban trung ương MTTQ VN Nguyễn Túc, nên tăng cơ cấu đại biểu QH là người ngoài Đảng lên mức tối thiểu là 20%. Ủng hộ quan điểm này, ông Đỗ Duy Thường cũng cho rằng trong QH có 60-70% đảng viên là đủ đảm bảo yếu tố Đảng lãnh đạo rồi. “Vừa rồi Đại hội Đảng XI số dư ứng cử vào trung ương lên tới 150%. Tôi nghĩ trong cuộc bầu cử này chúng ta nên tăng số dư, mở rộng cửa cho người ngoài Đảng” - ông Thường cho biết.
GS Lưu Văn Đạt - chủ nhiệm hội đồng tư vấn dân chủ, pháp luật của Ủy ban trung ương MTTQ VN - cho rằng: “Không chỉ mở rộng cửa, không chỉ nói là tăng tỉ lệ, mà phải trân trọng mời những hiền tài ngoài Đảng tham gia QH”. Ông Trần Hoàng Thám cũng đề nghị thể hiện quan điểm khuyến khích người tự ứng cử bằng biện pháp cụ thể. “Phải làm cho những người tự ứng cử bình đẳng với các ứng cử viên được giới thiệu. Tôi đề nghị QH nên có cơ cấu cho người tự ứng cử, đoàn chủ tịch nên kêu gọi nhân sĩ, trí thức tự ứng cử” - ông Thám nói.
Theo luật định, sau cuộc hiệp thương này, Ủy ban Thường vụ QH sẽ họp để điều chỉnh lần thứ nhất về cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu QH trước khi các cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ra ứng cử.
Động viên nhân dân nêu cao tinh thần làm chủ Ngày 23-2, tiểu ban chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền về bầu cử đại biểu QH khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 (tiểu ban) họp phiên thứ nhất. Theo dự thảo kế hoạch của tiểu ban, công tác thông tin, tuyên truyền về cuộc bầu cử nhằm động viên mọi tầng lớp nhân dân nêu cao tinh thần làm chủ, ý thức tự giác tham gia bầu cử để lựa chọn bầu ra những người bảo đảm các yêu cầu về phẩm chất, năng lực, uy tín, đại diện xứng đáng cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân tham gia QH và HĐND các cấp, đồng thời cũng nhằm tạo bầu không khí phấn khởi, nêu cao ý thức trách nhiệm công dân, thái độ tích cực của cử tri trong việc tham gia xây dựng Nhà nước. Tại phiên họp, Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên (trưởng tiểu ban) đã giao ông Nguyễn Sĩ Dũng (phó chủ nhiệm Văn phòng QH) làm người phát ngôn của tiểu ban. V.V.Thành |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận