Bị cáo Đinh Ngọc Hệ tại tòa - Ảnh: NAM TRẦN
Sau một ngày xét hỏi, sáng 31-10, Hội đồng xét xử Tòa án quân sự trung ương tuyên bố kết thúc thẩm vấn, chuyển sang phần tranh luận.
Trong phần này, đại diện Viện kiểm sát cùng cấp đã phát biểu quan điểm luận tội với bị cáo Đinh Ngọc Hệ (tức Út "trọc", cựu thượng tá quân đội, cựu phó tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn), Phùng Danh Thắm (nguyên chủ tịch kiêm tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn) và Trần Văn Lâm (nguyên tổng giám đốc điều hành Công ty CP phát triển đầu tư Thái Sơn).
Kháng cáo kêu oan của Út "trọc" không có cơ sở
Theo đại diện cơ quan công tố, việc truy tố, xét xử bị cáo Đinh Ngọc Hệ tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ là có căn cứ, đúng pháp luật, không oan.
"Kháng cáo của bị cáo là không có cơ sở", kiểm sát viên khẳng định.
Cụ thể, bị cáo Hệ đã liên hệ với Bùi Văn Tiệp, Lê Thanh Cung để hợp thức hóa số xăng dầu kém chất lượng. Hành vi này xâm phạm tới hoạt động kinh tế. Với chức trách của một sĩ quan, bị cáo Hệ đã vi phạm quy định sĩ quan không được làm.
Tại tòa, bị cáo Hệ cho rằng không đủ chứng cứ kết tội bị cáo việc hợp thức hóa kinh doanh xăng dầu kém chất lượng, bị cáo không biết và không chỉ đạo.
Tuy nhiên qua lời khai của Lê Thanh Cung, Lê Đức Tuấn thì Viện kiểm sát có đủ cơ sở kết luận bị cáo Hệ chính là người tổ chức lập hợp đồng giả gửi giữ xăng kém chất lượng, tránh việc xử phạt, gây thất thoát cho nhà nước hơn 1 tỉ đồng.
Đại diện Viện kiểm sát nêu quan điểm tại tòa - Ảnh: NAM TRẦN
Về kháng cáo của bị cáo Hệ cho rằng bị cáo phạm tội 2 lần là không có căn cứ, qua nghiên cứu, đại diện VKS quân sự trung ương thấy rằng tòa sơ thẩm đã áp dụng tình tiết phạm tội từ 2 lần trở lên là không oan.
Đề nghị giảm án vì có nhiều bằng khen
Đối với hành vi sử dụng văn bằng giả và giấy tờ để kê khai hồ sơ đảng viên, đề nghị nâng lương, bổ nhiệm, phiên, phong quân hàm, bị cáo Đinh Ngọc Hệ nói không cố ý sử dụng nhưng tại tòa phúc thẩm đã chứng minh bị cáo sử dụng bằng giả là có chủ đích.
Bị cáo không thi, không học, chỉ bỏ ra 2,5 triệu để mua bằng rõ ràng là vi phạm pháp luật.
Về bối cảnh khách quan, bị cáo không viết mà chỉ ký vào hồ sơ có ghi bằng tốt nghiệp kinh tế quốc dân giả nhưng bị cáo vẫn ký vào lý lịch vì có lợi cho mình. Theo VKS, việc này còn có lỗi của cơ quan chức năng, tòa sơ thẩm đã có kiến nghị nhằm tránh sự việc đáng tiếc như trên xảy ra.
Do đó, việc truy tố bị cáo tội sử dụng giấy tờ giả của cơ quan, tổ chức là đúng pháp luật, không oan, không có cơ sở xem xét cho bị cáo Hệ về nội dung kháng cáo này.
Đối với kháng cáo cho rằng cấp sơ thẩm chưa xem xét, áp dụng tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo, đại diện Viện kiểm sát quân sự trung ương nhận thấy tính đến ngày hôm nay, chưa có cơ quan, tổ chức nào kiến nghị thu hồi một số giấy khen, bằng khen bị cáo được tặng.
Cho nên, cơ quan giữ quyền công tố đề nghị tòa chấp nhận, xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo.
Trước khi chuyển sang bị cáo khác, đại diện cơ quan công tố cho rằng cần phải áp dụng tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo cả 2 tội do đó có căn cứ áp dụng giảm nhẹ cho bị cáo.
HĐXX phiên tòa phúc thẩm - Ảnh: NAM TRẦN
Có cơ sở chấp nhận kháng cáo của bị cáo Phùng Danh Thắm
Đối với kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Phùng Danh Thắm, đại diện VKS cho rằng bị cáo đã không làm hết trách nhiệm được giao, đã buông lỏng quản lý để Út "trọc" cho thuê xe, thế chấp xe, giao xe cho nhiều đối tượng ngoài xã hội sử dụng…
Tuy nhiên, bị cáo Thắm phạm tội lần đầu, công ty bị cáo làm chủ tịch có nhiều đóng góp, bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải nên viện kiểm sát đề nghị tòa xem xét quyết định hình phạt khác nhẹ hơn cho bị cáo Thắm.
Đối với kháng cáo của bị cáo Trần Văn Lâm, VKS thấy rằng không có cơ sở vì trong vụ này bị cáo Lâm thực hiện hầu hết các công việc dưới sự chỉ đạo của bị cáo Hệ.
Lâm là người thực hành chứ không phải người có vai trò thứ yếu. Bên cạnh đó, cấp sơ thẩm đã xem xét, chiếu giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo rồi. Do đó, VKS đề nghị tòa không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Lâm.
Thêm người bị đề nghị xử lý
Trong phần luận tội, Đại diện VKS cũng đề nghị xem xét, xử lý đối với ông Cung Đình Minh (Phó TGĐ Tổng công ty Thái Sơn) và các cá nhân khác có liên quan đến hành vi phạm tội của Út “trọc”.
Đối với ông Cung Đình Minh (Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn), người này không liên quan đến phần kháng cáo nhưng là người đại diện vốn cổ phần của Tổng Công ty Thái Sơn tại Công ty CP Phát triển Đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P, quản lý 30% vốn cùng Đinh Ngọc Hệ.
Tuy nhiên, trong biên bản họp ĐH cổ đông tháng 8-2014, ông Minh cùng bị cáo Hệ và một số người khác đồng ý thế chấp 4 xe ô tô. Do vậy VKS đề nghị HĐXX xem xét, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý Cung Đình Minh cũng như cá nhân khác có liên quan đến hành vi phạm tội của bị cáo để đảm bảo vụ án được nghiêm minh, khách quan, đúng pháp luật.
Trước đó Tòa sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Đinh Ngọc Hệ 10 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, 2 năm tù về tội Sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức. Tổng hợp 2 hình phạt bị cáo Hệ phải chấp hành là 12 năm tù.
Tòa sơ thẩm tuyên Trần Văn Lâm 5 năm tù; Phùng Danh Thắm 24 tháng cải tạo không giam giữ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận