Ông Lương Ngọc Khuê, phó trưởng Tiểu ban điều trị, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia, phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: THÚY ANH
Theo ông Nguyễn Văn Kính - chủ tịch Hội đồng chuyên môn - hiện có 3 ca bệnh nặng đang được hội đồng theo dõi.
Bệnh nhân 19 (bác bệnh nhân 17) đã rút được ECMO, cai được máy thở, đã nói và ăn uống được. Hiện bệnh nhân đang được phục hồi chức năng và cải thiện dinh dưỡng.
Bệnh nhân 161 đã hồi phục, xét nghiệm âm tính 3 lần liên tiếp, chuyển sang giai đoạn điều trị phục hồi tai biến mạch máu não tại Bệnh viện Bạch Mai.
Bệnh nhân 91 - phi công người Anh hiện là bệnh nhân nặng nhất, 2 phổi đông đặc như đá và phổi càng ngày càng tiến triển theo hướng nặng hơn, máy thở sử dụng không hiệu quả, xét nghiệm liên tục thay đổi và gần đây lại dương tính trở lại.
Hội đồng chuyên môn đang đề nghị phương án ghép phổi.
Đây là phương án đã từng được sử dụng tại Trung Quốc cho bệnh nhân COVID-19 nặng và có hiệu quả ở những ca bệnh được ghép sớm.
Tại Việt Nam, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện 108, 103 là những đơn vị từng thực hiện ghép phổi. Trong khi đó, bệnh nhân 91 đã được sử dụng thiết bị ECMO - thiết bị thay thế tim phổi đã hơn 30 ngày, nếu lâu dài phổi tiến triển xấu hơn sẽ bị mủn và là môi trường cho vi khuẩn xâm nhập.
Tại cuộc họp, các chuyên gia quốc tế đến từ Tổ chức Y tế thế giới, Chương trình Bảo vệ y tế toàn cầu, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ... đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong phòng chống COVID-19 như ngày 8-5 là ngày thứ 22 không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng (dù có thêm bệnh nhân từ nước ngoài về), bước đầu ngăn chặn và đẩy lùi COVID-19 tại Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận