Sáng 18-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét đề nghị bổ sung một số dự án luật vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Cụ thể gồm Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Nhà giáo; Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Hóa chất (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).
4 chính sách đề nghị sửa đổi, bổ sung
Với dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, hồ sơ được đưa ra với 4 chính sách.
Trong đó, hoàn thiện quy định về khái niệm vũ khí, công cụ hỗ trợ, linh kiện vũ khí công cụ hỗ trợ và vật liệu nổ công nghiệp mới, quy định về quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh xuất khẩu nhập khẩu dao có tính sát thương cao.
Cắt giảm, đơn giản hóa giấy tờ hồ sơ quy định trong các thủ tục hành chính về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, quy định cấp giấy phép sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, không quy định thời hạn trong giấy phép sử dụng và chuyển việc cấp giấy xác nhận đăng ký sang cấp giấy phép sử dụng.
Cho phép tổ chức doanh nghiệp nước ngoài cho, tặng, viện trợ vũ khí, công cụ hỗ trợ cho Việt Nam để phục vụ việc nghiên cứu, sản xuất trang bị, sử dụng.
Sửa đổi, bổ sung một số quy định về nghiên cứu sản xuất kinh doanh sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các tổ chức, doanh nghiệp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết đa số ý kiến đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung dự luật vào chương trình năm 2024, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 7 theo quy trình tại một kỳ họp để sớm ban hành luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Một số ý kiến đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, thông qua tại kỳ họp thứ 8 hoặc trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 8 theo quy trình tại một kỳ họp Quốc hội.
Vì theo chương trình đã được Quốc hội quyết định, tại kỳ họp thứ 7, Ủy ban Quốc phòng An ninh đã được giao chủ trì 5 dự luật (bao gồm 4 dự án trình thông qua và 1 dự án trình cho ý kiến).
Trên 58% các vụ án liên quan sử dụng dao
Về các chính sách cụ thể, Ủy ban Pháp luật, các cơ quan đề nghị bổ sung làm rõ một số nội dung.
Trong đó, đề nghị tiếp tục đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện, đề xuất phương án sửa đổi khái niệm vũ khí cho phù hợp, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Vì việc thay đổi khái niệm về vũ khí, việc điều chỉnh một số loại vũ khí như vũ khí thể thao, vũ khí thô sơ, súng săn, vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vào nhóm vũ khí quân dụng, việc bỏ khái niệm "súng săn", "vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự súng săn" có thể dẫn tới thay đổi về chính sách xử lý hình sự đối với các tội phạm liên quan đến các loại vũ khí này, đặc biệt là quy định tại Bộ luật Hình sự.
Cùng với đó, đề nghị phân tích, đánh giá kỹ lưỡng việc bổ sung "dao có tính sát thương cao" vào nội hàm vũ khí thô sơ, vũ khí quân dụng.
Phân tích, làm rõ mối liên hệ giữa tỉ lệ gia tăng tội phạm với việc sử dụng dao có tính sát thương cao để tăng tính thuyết phục của đề xuất này.
Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, rà soát để có quy định cụ thể hơn về cơ chế quản lý đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu dao có tính sát thương cao để vừa bảo đảm công tác quản lý nhà nước, phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động tội phạm, vừa không làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và lao động hằng ngày của người dân.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới cho biết theo thống kê của Bộ Công an, trên 58% các vụ án có liên quan đến sử dụng dao là vũ khí thô sơ với các tội rất nghiêm trọng như giết người, bắt cóc, cướp, ma túy, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ...
Trong đó, nhiều vụ lực lượng công an đang thi hành nhiệm vụ bị các đối tượng dùng dao tấn công dẫn đến bị thương, thậm chí hy sinh đau lòng.
Từ thực tế đặt ra rất cần thiết và trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá của Bộ Công an, Chính phủ đã đề xuất bổ sung quy định về dao.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận