Sáng 9-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.
Đề nghị báo cáo bổ sung cơ cấu nợ liên quan bất động sản
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 đạt được nhiều thành quả quan trọng.
Tăng trưởng kinh tế quý 1-2023 ước đạt 3,32% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn kịch bản tại nghị quyết số 01/CP (5,6%). Khu vực công nghiệp - xây dựng giảm 0,4%, trong đó công nghiệp giảm 0,82%, làm giảm tốc độ tăng trưởng của toàn nền kinh tế.
Cạnh đó, mặt bằng lãi suất cho vay dù đã giảm 0,41 điểm % so với cuối năm 2022 nhưng vẫn ở mức cao, bình quân là 9,56%/năm.
Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu tính đến ngày 25-4, tín dụng chỉ tăng 2,75%, cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, nền kinh tế tiếp tục khó khăn.
Lãi suất cao khiến doanh nghiệp không muốn vay và doanh nghiệp gặp khó về đơn hàng đầu ra nên không vay. Mặt bằng lãi suất cho vay tăng mạnh trong năm 2022 và vẫn duy trì ở mức cao trong quý 1-2023.
Lãi suất cho vay bình quân của 35 ngân hàng thương mại trong nước tính đến cuối tháng 3-2023 khoảng 10,23%, cao hơn 0,56 điểm % so với cuối năm 2022.
Theo Ủy ban Kinh tế, việc triển khai đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 và phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, các dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài còn rất chậm.
Nợ xấu có xu hướng tăng, trong khi tỉ lệ dự phòng rủi ro tín dụng so với nợ xấu giảm có thể gây ảnh hưởng đến an toàn hệ thống tài chính. Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, giá trị nợ xấu tăng 40,2% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ 2022 tăng 8,8%).
Tỉ lệ nợ xấu bình quân toàn hệ thống đến cuối tháng 3-2023 là 2,88 % (cuối năm 2022 là 2,05%). Tỉ lệ dự phòng rủi ro tín dụng/nợ xấu bình quân toàn hệ thống là 80,8% (cuối năm 2022 là 114,2%).
Tỉ lệ dự phòng cụ thể/nợ xấu trong cho vay tổ chức kinh tế và cá nhân bình quân toàn hệ thống là 54,1% (cuối năm 2022 là 77,2%).
Ủy ban cũng đề nghị Chính phủ báo cáo bổ sung về cơ cấu nợ liên quan đến bất động sản (bao gồm cả doanh nghiệp bất động sản, vay mua nhà, kinh doanh bất động sản...).
Đáng chú ý, trong bối cảnh doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, ngân hàng thương mại lãi cao, trong đó thu nhập thuần từ hoạt động tín dụng tiếp tục tăng so với năm 2021.
Năm 2022, Vietcombank dẫn đầu với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 37.000 tỉ đồng, tiếp theo là Techcombank (hơn 25.500 tỉ đồng), BIDV (hơn 23.000 tỉ đồng), MB (gần 23.000 tỉ đồng).
Tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân của ngành ngân hàng là gần 20% - một tỉ suất rất cao.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng với tình hình khó khăn như hiện nay, nếu không được cải thiện thì dự báo số nợ xấu của các ngân hàng sẽ tăng nhanh trong thời gian tới và sẽ bào mòn đáng kể năng lực tài chính của các ngân hàng thương mại.
Phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay
Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, chính sách vĩ mô khác.
Cần chủ động sớm “chuyển trạng thái” điều hành từ thắt chặt, thận trọng sang “thích ứng, nới lỏng phù hợp”, tiếp tục xem xét hạ lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ tăng trưởng trong bối cảnh áp lực lạm phát, tỉ giá không còn quá căng thẳng như thời điểm cuối năm 2022.
Khuyến khích các ngân hàng giảm chi phí, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, Chính phủ cũng cần nghiên cứu phương án điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế thu nhập cá nhân. Giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% áp dụng đến hết 31-12-2023 cho tất cả hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận