Ngày 14-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Đây là dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5-2024).
Nên tăng tiền đặt cọc với tài sản có giá trị lớn
Nêu ý kiến về vấn đề tiền đặt cọc và xử lý tiền đặt cọc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng vấn đề này đã bàn nhiều, nhất là vụ đấu giá đất mấy tỉ đồng/m2.
Ông đề xuất nên chăng phân hóa một số tài sản có giá trị lớn thì tiếp tục rà soát theo hướng tăng số tiền đặt cọc để đảm bảo tính khả thi trong quá trình tổ chức đấu giá.
"Trong luật hiện nay quy định tối thiểu là 5%, tối đa là 20%, nhưng một số tài sản có giá trị lớn, đặc biệt nên tăng thêm vì anh nào cũng muốn đấu giá nhưng cuối cùng đấu xong rồi bỏ đấy", ông Huệ nêu.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị rà soát, có thể bổ sung một số nội dung như vấn đề lấy lại tiền đặt cọc trước khi thay đổi thông tin đấu giá.
"Chúng tôi đặt cọc rồi nhưng tự nhiên anh thay đổi, tôi không muốn nữa thì tôi lấy lại tiền này thì quy định thế nào?
Tôi có quyền thay đổi vì anh thay đổi thông tin thì tôi có quyền thay đổi quyết định. Nếu không quy định vấn đề này thì sau này rất khó xử", ông Huệ nêu.
Cũng theo ông Huệ, vấn đề đấu giá lại khi đấu giá không thành công cũng cần phải có quy định, nếu không sẽ thiếu.
Ông nói hiện nay trong dự án luật trường hợp đấu giá không thành công thì mỗi loại tài sản có cách xử lý khác nhau. Cho nên, đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định cho phép giảm giá khởi điểm của tài sản sau mỗi lần đấu giá không thành công.
Về đấu giá trực tuyến, theo Chủ tịch Quốc hội, hiện nay có tiến bộ là đã đưa vào dự luật và giao cho Chính phủ quy định chi tiết.
Ông đề nghị cần nghiên cứu thêm việc nên quy định một số khung ở đây, các bước trình tự như thế nào và Chính phủ quy định chi tiết để có thể tăng cường đấu giá trực tuyến lên được.
"Chúng ta đưa vào đây chỉ một câu chung rồi giao Chính phủ quy định thì rất khó cho Chính phủ", ông Huệ nêu thêm.
Cần có ý kiến chính thức cho rõ
Về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết trong điều khoản chuyển tiếp, luật này nêu rõ tiếp tục thực hiện nghị quyết 73 của Quốc hội...
Ông nói hiện thời gian thí điểm đấu giá biển số xe ô tô mới 1 năm, chưa đủ điều kiện để đánh giá, tổng kết trước khi xem xét đưa vào Luật Đấu giá tài sản.
Tuy nhiên, Chính phủ trình Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã đưa nội dung đấu giá biển số xe ô tô với các giải trình.
Theo đó, đã đủ điều kiện để luật hóa nghị quyết 73. Báo cáo bổ sung của Chính phủ cho biết trong 5 tháng triển khai thực hiện đấu giá biển số xe ô tô rất thành công, đã đấu giá 14.062 biển số và được nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Lần này, ông Phương nêu qua thảo luận, đề xuất của đại biểu Quốc hội, Chính phủ thấy rằng cần phải luật hóa vấn đề này, đồng thời mở rộng đấu giá biển số xe kinh doanh vận tải và xe máy là cần thiết.
Chính phủ cho rằng nếu không kịp thời đưa vào mà chờ hết thời gian thí điểm, tiến hành tổng kết thì lúc đó sẽ gây tốn kém, lãng phí thời gian.
Qua làm việc với Ủy ban Quốc phòng và An ninh, cơ quan soạn thảo đề nghị có thêm ý kiến của các bộ, ngành, ý kiến của Chính phủ về nội dung này. Một số bộ có công văn đồng ý chủ trương.
Ông Phương cho hay cả Luật Đấu giá tài sản và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đều được thông qua tại một kỳ họp.
Do đó, nếu Luật Đấu giá tài sản nói đang thực hiện thí điểm nghị quyết 73 thì Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cũng phải theo nghị quyết 73 để thực hiện hết thời gian thí điểm.
"Chúng tôi đề nghị Chính phủ phải có ý kiến chính thức về việc này cho rõ", ông Phương nêu thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận