TTCT - Từ đầu năm 2012 đến nay, thị trường sách chứng kiến sự trở lại của dòng sách sử và tư liệu cổ của các tác giả người Việt từ các thế kỷ trước, như Lê Quý Đôn, Phan Kế Bính, Phạm Đình Hổ, Lê Hữu Trác... do Nhà xuất bản (NXB) Hồng Bàng liên kết tái bản với NXB Trẻ. Đây là chương trình trở về với vốn di sản thành văn của dân tộc, tạo điều kiện cho người đọc ngày nay tiếp cận vốn sống của người xưa. TTCT trao đổi với ông Đinh Vạn Dũng - chủ tịch Công ty TNHH một thành viên NXB Hồng Bàng - người đang chủ trương tái bản loạt sách này. Phóng to Nhiều bạn đọc tìm mua các sách “Cảo thơm trước đèn” - Ảnh: Lam Điền * Kể từ khi tái bản và phát hành loạt sách “Cảo thơm trước đèn” với những quyển: Đại Việt thông sử, Lĩnh Nam chích quái, Nam Hải dị nhân, Truyền kỳ mạn lục, Vũ trung tùy bút, Thượng kinh ký sự, và mới nhất là hai tập Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn, ông có ghi nhận phản hồi từ thị trường đối với loại sách này? - NXB Hồng Bàng được thành lập từ tháng 3-2011, là em út trong đại gia đình 60 NXB trong toàn quốc. Việc cùng với NXB Trẻ ra mắt bạn đọc tủ sách “Cảo thơm trước đèn” là một dạng liên kết, liên doanh mới giữa các NXB với nhau, đặc biệt là cùng thống nhất khai thác đề tài trong di sản văn hóa, lịch sử của cha ông ta. Những ấn phẩm vừa nêu trên chỉ là một phần nhỏ trong danh mục của tủ sách này. Tín hiệu phản hồi từ thị trường và bạn đọc là tốt. Trước hết là hình thức trình bày bìa sách mới, trang chữ dễ đọc, thường in trên giấy xốp nhẹ, đọc không hại mắt. Mỗi cuốn khoảng 300 trang (với bộ sách lớn thì chia nhiều quyển) thuận lợi khi đọc, có thể bỏ vào túi xách lúc di chuyển và hợp túi tiền. Mỗi lần chúng tôi in 2.000 bản nên ít đọng vốn, nhiều người thích cách làm mới cho những tên sách cũ khi tái bản như vậy. * Với các sách thiên về cổ sử và các tư liệu của Việt Nam thời xưa như thế, ông nghĩ người đọc hôm nay sẽ là những ai? NXB Hồng Bàng có làm gì để vừa thu hút sự quan tâm của người đọc đối với loại sách này, vừa cũng là quảng bá cho một dòng sách quan trọng của Việt Nam? Ông Đinh Vạn Dũng - Ảnh do NXB Hồng Bàng cung cấp - Tên của tủ sách lấy bốn chữ trong câu thơ: Cảo thơm lần giở trước đèn/ phong tình cổ lục còn truyền sử xanh (Truyện Kiều của Nguyễn Du). Nội dung tủ sách này không phải chuyện phong tình mà là chuyện xưa tích cũ về lịch sử dân tộc, về biến thiên thời cuộc, về văn hóa, nhân danh, địa danh, và những biên khảo công phu về các triều đại, vùng miền... Tóm lại là những chuyện đã qua mà người thời nay muốn tìm hiểu chuyện xưa nên cần đọc lại. Bạn đọc của tủ sách trước hết là những bậc trung niên trở lên, những nhà nghiên cứu và hoạt động văn hóa xã hội. Lớp trẻ thì phần lớn là sinh viên. Cũng có các ông bà tuổi nghỉ hưu thì sách này là món ăn tinh thần hợp khẩu vị. Quan sát Hội chợ sách TP.HCM tháng 2-2012 thấy mừng vì người đọc mua sách nhiều, có người tìm mua các sách thuộc tủ “Cảo thơm trước đèn” mỗi tựa hai bản. Tôi hỏi thì được đáp là mua cho gia đình và gửi cho người cháu đang học bên Anh một bản theo thư yêu cầu vì thấy nội dung hay, sách in đẹp, tiền cước ít vì giấy nhẹ. Để làm mới sách cũ, ngoài chăm chút hình thức, chúng tôi còn giới thiệu thêm về tác giả, nội dung, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm và đánh giá của người đời về tác phẩm đó. Phần này có quyển được thể hiện qua lời NXB ở đầu sách, nhưng hầu hết là giới thiệu ở bìa 4 và các tay gấp của bìa sách. Nội dung gọn, rõ, giúp người mua sách có thông tin ban đầu để chọn lựa. Ngày trước người viết sách không chuyên nghiệp. Họ phần lớn là các nhà nho và quan lại. Ngoài công việc chính của Nhà nước, các sáng tác đều được tiến hành ngoài giờ. Chỉ duy có Phan Huy Chú, tác giả bộ bách khoa thư Lịch triều hiến chương loại chí (5 quyển) hàng mấy ngàn trang là được ông tập trung thời gian, đóng cửa không tiếp khách, biên soạn trong mười năm, hoàn thành lúc 38 tuổi, được vua Minh Mạng ban thưởng khi sách dâng lên. Các tác giả khác như Nguyễn Dữ (Truyền kỳ mạn lục), Trần Thế Pháp, Vũ Quỳnh, Kiều Phú (Lĩnh Nam chích quái), Phạm Đình Hổ - Nguyễn Án (Tang thương ngẫu lục), Lê Hữu Trác (Thượng kinh ký sự), Ngô Giáp Đậu (Hoàng Việt long hưng chí), Lê Quý Đôn (Đại Việt thông sử, Kiến văn tiểu lục) và nhiều người nữa, cũng làm tranh thủ lúc rảnh rỗi, thư nhàn. Với họ, việc sáng tác, ghi chép, biên khảo thường là nhu cầu tự thân để lưu lại những điều thấy và nghe chuyện đời, chuyện người, chuyện xã hội thời đại họ sống hoặc trước đó nữa. Tủ sách “Cảo thơm trước đèn” chỉ giới hạn trong phạm vi văn xuôi chữ Hán - Nôm. Nó bao gồm các thể loại ghi chép, truyện ký, tiểu thuyết chương hồi. Đó là những câu chuyện có khi thực, khi hư, nhưng phần lớn là thực. Nó là nguồn tư liệu, sử liệu vô cùng phong phú, quý giá để ngày nay ta hiểu người xưa, tìm lại dấu vết của phong hóa qua lớp bụi thời gian. Chúng tôi tìm tòi và chọn lựa các bản dịch đúng và hay, cố gắng in trọn vẹn nội dung của tác phẩm cùng những lời đề tựa, phân tích của tác giả hoặc người cùng thời để bạn đọc hiểu sâu hơn nội dung. Điều này giúp ích cho người đọc như vai trò người dẫn dắt ban đầu. * Đọc lại loạt sách này, như một cách tiếp cận tinh hoa của những thế hệ trí thức người Việt từ rất xưa, ngoài những thông tin quan trọng như biết được lễ nhạc đời Trần, biết các đường quân đi từ miền xuôi lên Điện Biên, Hà Giang (trong Kiến văn tiểu lục), còn có cả những vấn đề như “Thể lệ tuyển bổ và thuyên chuyển” đối với quan lại thời Lê Quý Đôn, hoặc tài năng phẩm hạnh của các bậc tiền bối thời Lý Trần, ông có nghĩ rằng giới trẻ ngày nay chia sẻ những vấn đề đó như thế nào? Và liệu những gì trong sách có giúp người đọc trong bối cảnh nền hành chính hiện nay không? “Cảo thơm trước đèn” là tủ sách gồm khoảng 100 nhan đề, khai thác các danh tác từ kho tư liệu văn xuôi Hán Nôm còn lưu giữ được. Sau một số tập như đã biết, tủ sách sẽ tiếp tục ra mắt cho đến năm 2015, với các tập sắp ra: Lịch triều hiến chương loại chí, Hoan châu ký, Hoàng Lê nhất thống chí, Truyền kỳ tân phả, Hoàng Việt long hưng chí, Nam triều công nghiệp diễn chí, Công dư tiệp ký... - Tuy tác giả của các tập sách xưa không theo hội đoàn chuyên nghiệp như ngày nay, nhưng di sản còn lại theo thống kê của Viện Hán Nôm Việt Nam, hiện có 4.000 trang ghi lại danh mục các tựa sách viết bằng chữ Hán và chữ Nôm. Con số đó thật đáng nể và tự hào. Tiếc rằng do nhiều nguyên nhân, việc dịch và công bố cho đông đảo bạn đọc còn hạn chế. Dẫu vậy, những gì mà chúng ta hiện có là tài sản phải giữ gìn và phát huy. Tiếp cận di sản đủ loại đó, kiến thức về lịch sử và văn hóa của người đọc được tăng lên. Bạn đọc hiện giờ, nhất là lớp trẻ, một thời có xu hướng vọng ngoại, thích sách học làm người, làm kinh doanh, quản trị mà không biết rằng nếu có tủ sách “Cảo thơm trước đèn” sẽ có bao điều bổ ích từ đấy. Nhiều bài học về luân lý, đạo đức, quản lý đất nước, sử dụng nhân tài, bổ dụng thăng giáng quan lại, phân bổ ruộng đất, thuế khóa, thi cử, lễ tiết... cho đến gương sáng các anh hùng nghĩa sĩ, các bậc danh nho, nghĩa hiệp, các vùng đất nhân kiệt địa linh đều được người xưa ghi lại. Nó không chỉ giúp bổ sung kiến thức cho lớp trẻ (thường cứ 15-20 năm lại có một thế hệ bạn đọc mới) mà còn là nguồn tham khảo cho những người có trách nhiệm của bộ máy nhà nước xây dựng, biên soạn các chính sách. Đằng sau các trang sách ẩn chứa tư tưởng nhân văn, trọng tài đức, ý thức cảnh giác hay bi kịch gia đình do thiếu sáng suốt như các câu chuyện về Tô Hiến Thành chọn Trần Trung Tá hay Võ Tá Đường, về chuyện Mỵ Châu để mất nỏ thần về tay Trọng Thủy, chuyện người con gái Nam Xương bị chết oan... Thật có quá nhiều bài học từ sách. * Có một điều dễ nhận thấy là loạt sách “Cảo thơm trước đèn” này như một tập hợp chứa đựng nhiều tư tưởng, hành trạng, trước tác, và cả hình tượng của các danh nhân nước Việt từ xưa. Nhưng lâu nay có vẻ như ta ít vận dụng “kho tàng” quý giá này? - Như tú tài Ngô Thì Hoàng nhận xét về quyển Lan Trì kiến văn lục (Ghi điều nghe và thấy ở Lan Trì) của ông quan Vũ Trinh (1759-1828) mà NXB Hồng Bàng đang in: “Mục đích viết sách của ông đâu chỉ có ghi lại những việc tai nghe mắt thấy. Tấm lòng ưu thời mẫn thế, ý tưởng giữ gìn truyền thống, sửa sang phong tục của ông luôn luôn thể hiện ở lời văn. Có nói đến việc quái dị nhưng không thoát lý đạo thường, có kể về điều biến hóa nhưng không mất đi lễ chính. Đại để là khuyên răn và cảnh cáo sâu xa để người sau này thấy điều hay thì bắt chước, thấy điều dở thì phòng ngừa, thực có ích rất nhiều cho thế giáo”. Người xưa nói: Tàng thư như tàng kim - cất giữ sách như giữ vàng, là nói lời hay điều quý từ sách mang lại. Sách tốt và nhân vật hiền tài của một thời làm nên văn hiến. Khai thác đề tài lịch sử, văn hóa xã hội Việt Nam, đặc biệt là các danh nhân, sự kiện lịch sử dưới nhiều hình thức là trọng tâm của NXB chúng tôi. Tags: SáchLam ĐiềnThị trường sáchTư liệu cổĐinh Vạn Dũng
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Cô ơi, nhờ có cô con mới biết đến học bổng Tiếp sức đến trường NGUYỄN THỊ HOA PHƯỢNG (Giáo viên) 23/11/2024 Cô giáo Nguyễn Thị Hoa Phượng đã gửi đến Tuổi Trẻ lời cám ơn của mình, sau khi cô nhận được lời cám ơn của đứa học trò vừa nhận được học bổng Tiếp sức học bổng đến trường năm 2024.
Nghiên cứu chục năm vẫn chưa xong tiến sĩ MINH GIẢNG 23/11/2024 Có nghiên cứu sinh làm chục năm chưa xong tiến sĩ, nhiều người bỏ ngang. Cơ chế hiện nay không khuyến khích giảng viên học tiến sĩ vì quá cực.
'Ông lớn' chứng khoán SSI bị cơ quan thuế truy thu, xử phạt hàng tỉ đồng BÔNG MAI 23/11/2024 Công ty cổ phần chứng khoán SSI vừa báo cáo với cơ quan lãnh đạo thị trường chứng khoán về quyết định liên quan đến Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế).
Ông Medvedev: Phương Tây xác định mục tiêu và dẫn đường cho các tên lửa đánh Nga THANH BÌNH 23/11/2024 Ngày 22-11, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo bất kỳ kịch bản leo thang nào đều có thể xảy ra trong xung đột Nga - Ukraine vì những gì phương Tây đang làm.