09/09/2014 07:53 GMT+7

​Để nắp cống không trở thành bẫy chết người

PHẠM DUY NGHĨA
PHẠM DUY NGHĨA

TT - Nắp cống ở nước ta đôi khi là một cái bẫy chết người.

Ống cống nơi bé La Văn Tỷ gặp nạn - Ảnh: Bá Sơn

Chiều thứ bảy tuần qua, hai bé trai ở tỉnh Bình Dương bị nước cuốn trôi, và các lực lượng phải đi lật từng nắp cống để tìm thi thể một em. 

Tại nhiều nơi khác, những tai nạn thương tâm tương tự cũng đã từng xảy ra. Mùa mưa lũ năm nào rồi cũng tới, song cho đến bao giờ cái nắp cống mới thôi nuốt đi sinh mạng con người?

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương đang nỗ lực chỉ đạo tìm kiếm thi thể cháu bé, trách nhiệm bàn sau. Điều ấy đúng trong phạm vi xử lý tình huống cụ thể. Song từ hàng chục năm trở lại đây, từ Hà Nội cho tới TP.HCM đã lặp lại nhiều tai nạn đáng thương ấy. Liệu xã hội và chính quyền có còn vô tâm bàn sau khi những cái nắp cống toang hoác hiểm nguy vẫn lạnh lùng lấy đi tính mạng khách đi đường.

Đường và cống thoát nước công cộng hiển nhiên thuộc về tài sản và trách nhiệm của Nhà nước. Càng rõ cấp chính quyền và tổ chức quản lý, càng dễ truy trách nhiệm.

Nếu việc ấy thuộc cấp thị xã, thị xã phải chịu trách nhiệm. Việc lớn hơn, nếu thuộc trách nhiệm của tỉnh, tỉnh phải chịu trách nhiệm. Cống rãnh trên quốc lộ thuộc quốc gia thì chính quyền trung ương phải chịu.

Như vậy, mỗi cấp chính quyền cần có trách nhiệm và sở hữu rõ ràng, cấp nào vi phạm trách nhiệm thì phải chịu trách nhiệm.

Điều này thật hiển nhiên, tư nhân làm sai, gây thiệt hại cho người khác lẽ tất nhiên phải có trách nhiệm bồi thường. Nếu Nhà nước sai, đương nhiên phải truy cứu trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, cụ thể của cấp chính quyền có thẩm quyền.

Còn nhớ, những “lô cốt” thi công dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè cản trở việc kinh doanh đã dẫn tới vụ kiện người dân đòi chính quyền phải bồi thường.

Để truy tìm trách nhiệm, cần phân ra các loại trách nhiệm rạch ròi. Có trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm chính trị. Trách nhiệm pháp lý có ba loại.

Thứ nhất, việc thi công, duy trì và bảo dưỡng cống thoát, nếu được phân công cho một công ty quản lý công chính. Nếu tắc trách gây hại cho người dân, công ty đó phải trực tiếp bồi thường thiệt hại.

Thứ hai, kể cả khi đã ủy quyền quản lý cho các công ty công chính, chính quyền đô thị vẫn phải chịu trách nhiệm giám sát, kiểm tra, đảm bảo an toàn cho người dân. Nếu công chức thừa hành tắc trách, không làm đúng công vụ, sẽ xuất hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với người bị hại.

Thứ ba, người vi phạm pháp luật trong các tổ chức trên nếu có lỗi khi gây ra các nguồn nguy hiểm cho xã hội, dẫn đến chết người, tùy theo hoàn cảnh mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, nếu chính quyền không ban hành quy định rõ ràng, không phân chia thẩm quyền cụ thể, từ đó không truy được trách nhiệm cụ thể của ai thì ba loại trách nhiệm pháp lý kể trên khó mà xác định được. Khi đó, bằng sức ép của xã hội, người ta phải hối thúc chính quyền chịu trách nhiệm chính trị trước cư dân đô thị.

Cái nắp cống thì lạnh lùng vô tri vô giác, song chính quyền không được vô cảm, vô tình. Muốn chính quyền sốt sắng xóa đi những cái bẫy chết người ấy, người dân phải biết đòi quyền của mình, học cách ép chính quyền phải có trách nhiệm, bắt đầu ngay từ những cái nắp cống ấy.

PHẠM DUY NGHĨA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên