04/12/2013 15:46 GMT+7

Đề mở cũng nhiều nỗi băn khoăn

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Với hai chủ đề được bàn tới trong tọa đàm về “Đột phá trong thi cử và khắc phục tình trạng dạy thêm” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng ngày 4-12, vấn đề thi cử nhận được nhiều sự quan tâm và chia sẻ.

XQ9farcJ.jpgPhóng to
Các khách mời trong buổi đối thoại trực tuyến "Đột phá trong thi cử và khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm” - Ảnh: Nguyễn Khánh
6AW16seU.jpg
Từ trái qua: PGS.TS Đinh Xuân Khoa, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển và PGS Văn Như Cương - Ảnh: Nguyễn Khánh

Khách mời buổi tọa đàm gồm Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, PGS-TS Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh-HN, PGS-TS Đinh Xuân Khoa, hiệu trưởng trường ĐH Vinh.

Có đồng quan điểm về việc đổi mới nội dung, cách thức ra đề thi nhằm thay đổi về chất việc kiểm tra đánh giá học sinh phổ thông cũng như tuyển chọn đầu vào ở bậc GD nghề nghiệp, nhưng khách mời của buổi tọa đàm cũng có những phân tích khác nhau về vấn đề được công luận bàn tới lâu nay là “đề mở”.

PGS Văn Như Cương nói: “Đề mở là một hướng ra đề nên khuyến khích thực hiện, vì nó giúp học sinh phát huy sáng tạo, bày tỏ suy nghĩ cá nhân… Nhưng ra đề mở rất khó. Mở tới đâu? Mở như thế nào? Đề mở nhưng chấm có mở không? Đề mở nhưng dạy học có mở không? Đó là những điều phải nghĩ. Ví dụ Hải Phòng ra đề thi có nội dung liên quan tới bà Tưng, Ngọc Trinh, người nói tốt nhưng người nói không hay"...

Nhận xét về một đề mở của trường Hà Nội - Amsterdam, yêu cầu học sinh trình bày suy nghĩ về câu hát của Jonh Lennon: "Phải chăng chúng ta đều tỏa sáng, như mặt trăng, như những vì sao…”, PGS Cương nói: “Trăng và các vì sao không tự tỏa sáng mà nó sáng nhờ mặt trời. Vậy nên khi ra đề thế này, người ra đề cũng cần tính tới tình huống học sinh sẽ viết “người ta không cần tự tỏa sáng mà có thể sáng nhờ người khác, có thể dựa dẫm vào sự tỏa sáng của người khác, nhờ vào ô dù nào đó”. Trong tình huống đó người chấm cần làm gì?

Đáp lời PGS Cương, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng: “Đề mở không bao giờ có một kết quả duy nhất và có thể chấp nhận quan điểm trái chiều, nếu học sinh trình bày thuyết phục. Ví như trong đề thi trên, học sinh hoàn toàn có thể viết “Tôi không muốn như mặt trăng, như các vì sao mà muốn làm mặt trời” chẳng hạn.

Cũng nói về một đề thi khác: “Hãy vẽ Đại tướng Võ Nguyên Giáp” (đề thi của một trường ở Hà Nội), BTV của website Chính Phủ đặt vấn đề: “Nếu có học sinh vẽ Tướng Giáp giống Bác Hồ, có học sinh lại vẽ Tướng Giáp giống thầy giáo Văn Như Cương thì thứ trưởng Hiển thấy thế nào?”.

Ông Nguyễn Vinh Hiển trả lời: “Với một đề kiểm tra như thế, học sinh hình dung tướng Giáp gần với Bác Hồ về đạo đức, nhân cách thì vẽ giống Bác Hồ, nhưng nếu hình dung theo góc độ tướng Giáp từng là một thầy giáo thì có thể vẽ cụ giống thầy giáo. Việc này được nhìn nhận và hình dung theo cách của mỗi học sinh”.

Ông Hiển nói thêm, với những đề thi mở, cách dạy học mở thì không chỉ nhìn vào kết quả mà phải nhìn vào quá trình giáo dục, không chỉ kiểm tra kiến thức, suy nghĩ mà còn kiểm tra kỹ năng lập luận logic, cách thuyết phục… Đó cũng là mục đích của việc đổi mới kiểm tra, đánh giá mà Bộ GD-ĐT đang hướng tới.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên