"Không còn là giấc mơ trăm năm nữa rồi. Hy vọng không bao lâu nữa tui sẽ được bon bon trên cao tốc, quê hương mình sẽ đổi thay", nông dân Nguyễn Văn Đời (ở Cà Mau) nói với phóng viên Tuổi Trẻ khi Thủ tướng Phạm Minh Chính vào làm việc với lãnh đạo các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long để đốc thúc, tháo gỡ khó khăn cho các dự án cao tốc miền Tây.
Niềm hy vọng về một cung đường cao tốc 600km về miền Tây, giấc mơ trăm năm của hơn 20 triệu người dân vùng đất này, đã bắt đầu dần rõ nét khi lãnh đạo các tỉnh cho biết đã bắt tay vào làm nhanh để bù lại thời gian chậm vừa qua.
Lâu nay hiếm có công trình nào ở Việt Nam mà Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính dành sự quan tâm đặc biệt như công trình cao tốc về miền Tây khi đã có đến bốn lần ông đích thân vào tận công trường kiểm tra, gỡ vướng.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cũng hai lần vào làm việc với lãnh đạo các tỉnh thành và nhà thầu để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công.
Chính nhờ đó, với tinh thần tiến công, bàn tiến không bàn lùi, mục tiêu hoàn thành 600km đường cao tốc trong nhiệm kỳ này để miền Tây thoát thế vùng trũng "đói" cao tốc đã được vạch rõ.
Trước mắt, các dự án đang triển khai phải tập trung cho hai tuyến kết nối Bắc - Nam và Đông - Tây. Tuyến Bắc - Nam phải hoàn thành trước 31-12-2025.
Trên cơ sở làm tuyến này, rút kinh nghiệm làm tuyến Đồng Tháp - Tiền Giang cố gắng phấn đấu hoàn thành sớm hơn, trước 30-4-2025.
Còn tuyến An Giang - Hậu Giang - Cần Thơ - Sóc Trăng cũng phấn đấu trong năm 2025 vì có kinh nghiệm rồi, giải phóng mặt bằng đã xong, nhà thầu đã chọn xong, giờ chỉ còn đẩy nhanh ba ca bốn kíp, vượt nắng thắng mưa, làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm, làm xuyên ngày tết ngày nghỉ.
Tất cả những khó khăn về vốn, giải phóng mặt bằng, vật liệu cát đã được giải quyết rồi, vấn đề bây giờ là khâu tổ chức thực hiện sao cho tốt.
Vì vậy bí thư, chủ tịch các tỉnh thành trong vùng phải vào cuộc quyết liệt, phối hợp với các ban quản lý dự án, các nhà thầu, thiếu đâu và khó khăn gì thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì báo cáo, còn thẩm quyền địa phương thì làm ngay không chần chừ.
Để thực thi đạt hiệu quả cao nhất, đảm bảo thời kỳ tăng tốc cao tốc, người dân ĐBSCL đang kỳ vọng giải quyết cho được ba điểm nghẽn nổi lên lâu nay chậm được khắc phục.
Đó là lúng túng trước bài toán vốn đầu tư; phương thức đầu tư, tiến độ thi công, chất lượng công trình giao thông chưa tốt; giao thông liên vùng, các tiểu vùng kinh tế và kết nối các phương thức giao thông còn nhiều hạn chế.
Lúc này, các cơ quan trung ương và các địa phương có công trình đi qua cần tập trung cao nhất cho công tác giải phóng mặt bằng và bảo đảm nguồn cung vật liệu.
Chủ đầu tư, bộ máy quản lý thi công công trình cũng như vận hành khai thác công trình đưa vào sử dụng phải thực sự chuyên nghiệp.
Để phát huy hiệu quả nhất các tuyến cao tốc, rất cần đầu tư đồng bộ các tuyến quốc lộ, liên tỉnh lộ, hệ thống đường gom, cùng với việc kết nối các phương thức giao thông đường bộ, đường thủy, hàng hải và hàng không thông suốt.
Kỳ vọng vào giai đoạn tăng tốc đường cao tốc, nhưng cần nỗ lực vượt qua nhiều thách thức nêu trên mới có thể hoàn thành mục tiêu số kilômet cao tốc đề ra để miền Tây tăng tốc phát triển cùng cả nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận