09/11/2022 11:29 GMT+7

'Để mẹ không phải lang bạt, em cần cố gắng nhiều hơn nữa...'

NGUYỄN TRỌNG
NGUYỄN TRỌNG

TTO - Tan buổi học chiều, chàng sinh viên Đặng Văn Kỳ lại lao vào phân loại đống ve chai mà mẹ thu nhặt về đang nằm ngổn ngang trước hiên nhà. Xong việc, cậu lại rong ruổi khắp xóm tìm người cha mắc bệnh tâm thần đưa về nhà trước khi trời sập tối.

Để mẹ không phải lang bạt, em cần cố gắng nhiều hơn nữa... - Ảnh 1.

Thời gian rảnh rỗi, cậu sinh viên nghèo Đặng Văn Kỳ thường phụ giúp mẹ thu gom và phân loại ve chai để chở đến vựa bán, kiếm tiền đi học đại học - Ảnh: NGUYỄN TRỌNG

Đó gần như là thời khóa biểu hằng ngày của cậu tân sinh viên nghèo trú phường Thủy Phương (thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế). Gần 20 năm nay, cứ mỗi lần lên cơn bệnh, tiếng la hét của ông Đặng Văn Phước (cha của Kỳ) như xé ruột.

Hàng xóm đã quá quen với tiếng đồ đạc vỡ phát ra từ căn nhà nhỏ của Kỳ. Có lúc bệnh trở nặng, những trận đòn roi từ người cha lại trút xuống trên người mẹ con Kỳ.

Lạc quan trong cảnh cơ cực      

"Còn có cha mẹ, được cắp sách đến trường có lẽ là niềm vui của em. Nhìn lại nhiều phận đời còn bi đát hơn mình nhiều", Kỳ cười lạc quan khi kể về hoàn cảnh của mình.

Em là con út trong gia đình có hai anh em. Cha của em bị mắc bệnh tâm thần, không còn khả năng lao động. Mọi gánh nặng kinh tế trong nhà đều đổ dồn lên gánh ve chai của mẹ là bà Lê Thị Tám (56 tuổi).

Để đỡ bớt phần nặng nhọc cho mẹ, từ nhỏ Kỳ đã theo mẹ đi nhặt ve chai. Thời gian rảnh cậu học trò nghèo còn xin làm phục vụ, bưng bê cho các nhà hàng đám cưới.

Dẫu cuộc sống còn nhiều vất vả nhưng nhiều năm liên tiếp Kỳ vẫn đạt được danh hiệu học sinh giỏi và gần đây Kỳ đã trở thành tân sinh viên của khoa kỹ thuật và công nghệ Đại học Huế.

Phần bà Tám, để lo cho bốn miệng ăn, thuốc thang, viện phí cho chồng, học phí cho con, người phụ nữ nghèo không cho phép bản thân được nghỉ ngơi một ngày nào.

Một ngày thu nhặt ve chai của người phụ nữ kiếm từ vài chục nghìn, có hôm "trúng mánh" thì được vài trăm nghìn đồng.

Gia đình thuộc hộ nghèo, căn nhà cấp 4 đang nương náu cũng được Nhà nước hỗ trợ xây dựng từ năm 2013 với số tiền 32 triệu đồng. Để hoàn thiện căn nhà, bà Tám phải vay mượn khắp nơi gần 30 triệu đồng. 

Đến nay, số tiền nợ kia vẫn chưa trả hết. Những đồ đạc trong nhà, từ bàn ghế, giường, tủ... toàn bộ được hỗ trợ từ tình nghĩa xóm làng hoặc được nhặt về từ những bãi phế liệu.

Học để tìm kiếm tương lai

Đang chăm sóc chồng ở bệnh viện tâm thần thì nghe tin Kỳ đậu đại học, bà Tám kể rằng lúc đó cảm xúc khó tả vô cùng. Bà vui vì đứa con trai nghèo chịu khó đã cố gắng học hành và thi đậu vào ngành mà con mong muốn.

Để mẹ không phải lang bạt, em cần cố gắng nhiều hơn nữa... - Ảnh 2.

Chàng tân sinh viên Đặng Văn Kỳ muốn thay đổi số phận bằng con đường đại học - Ảnh: NGUYỄN TRỌNG

Thế nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang bởi đằng sau đó là gánh nặng học phí cả chục triệu đồng - số tiền mà có nằm mơ bà cũng chẳng dám nghĩ đến lúc này.

"Nhiều lúc cảm thấy bất lực, nuôi hai đứa con trai học đại học rất tốn kém, trong khi gia đình thiếu thốn trăm bề không biết làm gì để bù đắp. Ước chi chồng vẫn còn mạnh khỏe…", bà Tám khóc nghẹn.  

"Để thoát được cảnh nghèo và giúp mẹ không còn phải lang bạt đi nhặt ve chai, em phải cố gắng nhiều hơn nữa, dẫu biết chặng đường phía trước còn rất gian nan" - Kỳ nói.

Để đến trường, hằng ngày Kỳ phải "cưỡi" chiếc xe đạp cũ băng qua quãng đường dài hơn 10km. Nhưng không vì thế mà Kỳ bỏ cuộc. Ngược lại, để kiếm một khoản tiền hỗ trợ học phí học tập giúp mẹ, chàng tân sinh viên đang tìm kiếm khắp nơi công việc làm thêm lúc rảnh rỗi.

Nhìn hai đứa con chăm học nhưng lại sinh trong cảnh nghèo nàn, bà Tám nhiều lúc lại nghĩ ông trời thật trớ trêu. Nhưng dẫu thế nào, người mẹ nghèo vẫn sẽ là điểm tựa vững chắc về tinh thần cho hai người con trai trên con đường vào đại học. 

"Có vay mượn hay đánh đổi bất cứ cái gì tôi cũng để hai đứa con học đến nơi đến chốn. Đời chúng tôi đã khổ rồi, không để con phải khổ hơn nữa", bà Tám nghẹn ngào.

Cậu học trò vượt khó

Cô Nguyễn Thị Dung - giáo viên chủ nhiệm lớp 12 của Kỳ ở Trường THPT Hương Thủy - cho biết Kỳ là một cậu học sinh nghèo nhưng nghị lực, ngoan hiền. Vì hoàn cảnh gia đình mà em không ngần ngại mặc cảm cùng mẹ ra đường nhặt ve chai.

"Kỳ ít nói nhưng lại làm nhiều, là mẫu gương vượt qua khó khăn của nhiều bạn trong lớp. Sau những giờ tan học em lại về nhà phụ mẹ chăm cha, làm việc nhà, xin đi làm phục vụ và cả thu gom ve chai với mẹ", cô Dung chia sẻ.

Để mẹ không phải lang bạt, em cần cố gắng nhiều hơn nữa... - Ảnh 4.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

'Phao cứu sinh' của sinh viên nghèo

TTO - "Thời của tôi ăn học rất khó khăn, lại mồ côi, đi làm thuê làm mướn để có tiền, đâu được như các em bây giờ là có phao cứu sinh như học bổng Tiếp sức đến trường, bởi vậy phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa".

NGUYỄN TRỌNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên