Tổng giám đốc Eximbank nói về vụ để mất 300 tỉ đồng của khách hàng và trách nhiệm của ban lãnh đạo - Video: QUANG ĐỊNH
Tại đại hội cổ đông sáng nay, ban điều hành Eximbank cũng báo cáo cổ đông về hai vụ khiếu nại lớn chưa được xử lý là vụ mất 245 tỉ đồng của bà Chu Thị Bình và 50 tỉ đồng bốc hơi tại Eximbank Đô Lương, Nghệ An.
Xảy ra vụ bê bối mất tiền, Tổng giám đốc Eximbank có từ chức?
Từ 10h20 phần hỏi đáp bắt đầu. Không khí đại hội nóng lên khi cổ đông quyết truy trách nhiệm của các lãnh đạo Eximbank trong vụ mất 245 tỉ đồng của bà Chu Thị Bình và vụ 50 tỉ đồng tiết kiệm bốc hơi tại Eximbank Đô Lương, Nghệ An.
Cổ đông chất vấn trách nhiệm của lãnh đạo Eximbank về bê bối để mất tiền của khách hàng - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Một cổ đông cho biết rất thất vọng về cách điều hành của Hội đồng quản trị, ban Tổng giám đốc vì hai vụ mất tiền đã làm uy tín Eximbank giảm sút, giá cổ phiếu lao dốc.
Sau sự việc này, "Tổng giám đốc ngân hàng có từ chức hay không? Ngân hàng phải giải trình rõ nguồn gốc của sự việc, thu hồi đến đâu. Chúng tôi đến không phải chỉ để duyệt thù lao HĐQT", vị cổ đông này nói.
Một cổ đông 85 tuổi tuổi, đã đầu tư vào Eximbank 34 năm qua cũng bức xúc "vì sao sự việc kéo dài nhiều năm qua, nhân viên làm mất mấy trăm tỉ mà ngân hàng không phát hiện ra?
Đáp lại chất vấn từ cổ đông, ông Lê Văn Quyết, Tổng giám đốc Eximbank, cho biết vụ việc 50 tỉ đồng bốc hơi tại Eximbank Đô Lương xảy ra từ năm 2013 và kéo dài đến năm 2016, còn vụ việc mất 245 tỉ đồng của bà Chu Thị Bình xảy ra tại Eximbank chi nhánh TP.HCM có thể xảy ra từ năm 2010 chứ không phải từ bây giờ.
Cho biết đây là vụ việc phức tạp, xảy ra nhiều năm trước đây nhưng được phát giác trong giai đoạn hiện nay, ông Quyết thừa nhận trách nhiệm là "của chúng ta" và ban điều hành Eximbank phải có trách nhiệm giải quyết nhằm bảo bảo quyền lợi của khách hàng và bảo vệ hình ảnh của ngân hàng.
Tổng giám đốc Eximbank Lê Văn Quyết đang trả lời chất vấn của các cổ đông - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Liên quan đến câu hỏi "có từ chức hay không", ông Quyết cho biết ông về Eximbank theo hợp đồng hai năm và có cam kết trong vòng 2 năm sẽ giải quyết cơ bản các vấn đề tồn đọng, đưa Eximbank trở lại vạch xuất phát.
"Mới đây tôi đã chính thức bày tỏ nguyện vọng với Hội đồng quản trị nên tìm kiếm nhân sự mới phù hợp hơn với mục tiêu của NH trong giai đoạn mới", ông Quyết trả lời câu hỏi của cổ đông.
Eximbank muốn đạt thỏa thuận "thấu tình đạt lý" với bà Bình
Eximbank cho biết từ cuối tháng 2-2017 đã phát hiện số dư tiền gửi của bà Chu Thị Bình trên hệ thống ngân hàng có sự chênh lệch với số dư thể hiện trên các sổ tiết kiệm mà bà Bình đang giữ.
Ngân hàng này cho biết ngay khi phát hiện sự việc Eximbank đã có đơn gửi cơ quan cảnh sát điều tra (C44) để yêu cầu xác minh làm rõ.
Đến ngày 12-6-2017, C44 đã có thông báo cho Eximbank là chữ ký của bà Chu Thị Bình trên các chứng từ có liên quan đến việc rút tiền là thật.
Sau đó tháng 12-2017 C44 đã ra quyết định khởi tố vụ án, đồng thời có quyết định truy nã với ông Hưng.
"Xét thấy các chứng từ rút tiền có chữ ký thật của bà Bình, trong khi vụ án chưa có kết luận của cơ quan điều tra nên Eximbank chưa có đủ cơ sở pháp lý để chi trả tiền cho bà Bình nên hai bên chưa tìm được tiếng nói chung", lãnh đạo Eximbank khẳng định.
Nhân sự và vụ mất tiền gửi của khách làm nóng đại hội cổ đông của Eximbank - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ngân hàng này cũng cho biết trong khi chờ phán quyết của tòa án, ngân hàng vẫn thiện chí để cùng bà Bình đi đến một thỏa thuận thấu tình đạt lý, đúng quy định của pháp luật.
Ngân hàng này cũng cho biết ngay sau khi xảy ra vụ mất 245 tỉ đồng của bà Chu Thị Bình, ngân hàng đã rà soát lại công tác huy động vốn toàn hệ thống. Kết quả không có dấu hiệu bất thường ngoài vụ bà Chu Thị Bình và vụ 50 tỉ đồng bốc hơi tại Eximbank Nghệ An.
Phát biểu về vấn đề này, đại diện Ban Kiểm soát Eximbank cũng thừa nhận không phát hiện được hai vụ mất tiền lớn vì chứng từ đầy đủ, chữ ký thật, dung lượng camera giới hạn, chưa kể các giao dịch sau che lấp giao dịch trước.
"Eximbank và bà Chu Thị Bình bước đầu đã thương thảo để tìm tiếng nói chung. Quan điểm của Eximbank là nếu khoản sai sót nào thuộc ngân hàng thì trả ngay. Còn khoản này lấn cấn thì chờ tòa", đại diện Ban kiểm soát Eximbank cho biết.
Trong khi đó, ngay trước thềm đại hội, cả bà Chu Thị Bình lẫn ông Nguyễn Tiến Nam - người bị mất 28 tỉ đồng trong vụ 50 tỉ đồng bốc hơi tại Eximbank Đô Lương - đều "tố" Eximbank cố tình câu giờ nhằm tránh sức ép trước đại hội cổ đông.
"Hành động và việc làm của Eximbank là bất nhất, không tôn trọng chữ tín và thiếu chuẩn mực và cố tình câu giờ nhằm né tránh áp lực trước dư luận và các cổ đông đòi hỏi xem xét trách nhiệm trực tiếp của các thành viên HĐQT và Ban lãnh đạo ngân hàng này", bà Bình nói.
Tối hôm qua, 26-4, bà Chu Thị Bình tiếp tục phát đi văn bản yêu cầu Eximbank trả ngay 245 tỉ đồng mà không cần phán quyết của tòa án.
Ngày 6-4 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Công an và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật đối với kiến nghị của bà Chu Thị Bình và có trả lời cho bà Bình và luật sư.
Nhân sự từ Ngân hàng Nam Á làm nóng Eximbank
Sau một thời gian dài đồn đoán, cuối cùng ứng viên đại diện cho nhóm Ngân hàng Nam Á là bà Lương Thị Cẩm Tú đã trở thành ứng cử viên cho ghế thành viên HĐQT Eximbank.Diễn biến này được ghi nhận tại đại hội cổ đông được tổ chức sáng nay, 27-4.
Bà Lương Thị Cẩm Tú tại đại hội cổ đông Eximbank sáng 17-4-2018 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Dù từ 20-3 các các bộ phận hữu trách của Eximbank đã thực hiện kiểm tra hồ sơ đề cử, ứng cử nhân sự dự kiến bầu bổ sung vào HĐQT Eximbank, nhưng danh sách ứng viên được giữ bí mật đến phút chót.
Phía Eximbank chỉ thông báo ngắn gọn là nhận được 4 hồ sơ của 4 ứng cử viên, trong đó có 1 hồ sơ ứng cử viên cập nhật thông tin hồ sơ đã nộp năm 2017.
Căn cứ vào danh sách này, Eximbank đã trình xin ý kiến Ngân hàng Nhà nước thông qua danh sách nhân sự dự kiến làm thành viên HĐQT.
Tuy nhiên theo tờ trình bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2015-2020 sáng nay, chỉ có bà Lương Thị Cẩm Tú.
Lý do mà NH Eximbank nêu ra là ngày hôm qua, 26-4, Ngân hàng này đã nhận được đơn đề nghị của ba ứng viên thành viên HĐQT xin không tiếp tục tham gia ứng cử vì lý do cá nhân.Bà Tú nguyên là Tổng giám đốc Ngân hàng Nam Á, vừa thôi nhiệm vào ngày 6-3 vừa qua vì lý do cá nhân.
Bà Tú sinh năm 1980 tại Nha Trang - Khánh Hòa, có học vị cừ nhân chuyên ngành Quản lý kinh doanh - Đại học Văn Lang, thạc sĩ quản trị kinh doanh - Griggs University.
Bà Tú từng đảm nhiệm vị trí Phó phòng kinh doanh, trợ lý giám đốc, Phó giám đốc và Giám đốc Sacombank chi nhanh Khánh Hòa và sau đó là MHB rồi đến Ngân hàng Nam Á.
Ngân hàng Nam Á, nơi bà Tú từng làm tổng giám đốc, dự định tổ chức đại hội cổ đông bất thường vào ngày 5-3-2018. Tuy nhiên trước đó vài ngày ngân hàng này thông báo hủy kế hoạch "vì một số lý do khách quan".
Trước đó mối quan hệ giữa NH Nam Á và Eximbank từng được đồn đoán từ giữa năm 2014 và lên cao trào đầu năm 2015 khi thị trường rộ lên thông tin Vietcombank đã chuyển nhượng phần vốn trên 8,2% của mình tại Eximbank cho Ngân hàng Nam Á.
Quang cảnh tại đại hội cổ đông Eximbank sáng 27-4 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tuy nhiên sau đó lãnh đạo Nam Á lại cho rằng chưa có kế hoạch sáp nhập với ngân hàng khác. Khi đó NH Nhà nước cũng chưa chuẩn y nhân sự cấp cao HĐQT Eximbank. Do vậy thương vụ này tạm lắng đến nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận