16/09/2015 10:10 GMT+7

Để lọt “cá bé”

Võ HồNG QUỳNH
Võ HồNG QUỳNH

TT - Đến mùa thu hoạch sầu riêng, bỗng nhiên nhóm người vào các vựa gí dao hăm dọa, thậm chí đánh đập người đi mua, từ đó khống chế đòi tiền bảo kê, ép giá chủ vựa một cách trắng trợn.

Một vựa sầu riêng mua sầu riêng do các tiểu thương mua gom từ các vườn về bán lại tại huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) - Ảnh: TR.TÂN
Một vựa sầu riêng mua sầu riêng do các tiểu thương mua gom từ các vườn về bán lại tại huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) - Ảnh: TR.TÂN

Câu chuyện thu tiền bảo kê, xin đểu, quậy phá... tại các vườn sầu riêng ở Đắk Lắk và người bán hàng rong trong Khu công nghiệp Tân Hương, Tiền Giang (Tuổi Trẻ ngày 13 và 14-9) đã gây bức xúc trong dư luận bởi xét về tính chất, quy mô thì đây chỉ là một nhóm nhỏ những người vi phạm pháp luật nhưng lại hoạt động ngang nhiên như ở chốn... không người.

Không chỉ người bán sầu riêng, có những người bán hàng rong mỗi ngày tiền lời có vài trăm ngàn đồng, vậy mà có nhóm thanh niên xuất hiện “thu tiền vệ sinh” 10.000 đồng/người.

Dù chỉ là 10.000 đồng mỗi người dân bán hàng rong hay 1 - 2 triệu đồng/tấn sầu riêng nhưng hoạt động của loại tội phạm này đã nhắm vào túi tiền của những người nghèo, những người làm ăn chân chính.

Tại sao người dân không có được môi trường an lành để kiếm sống? Đành rằng, lực lượng công an khi được hỏi đều cho biết tất cả đã nằm trong “tầm ngắm”, đã nhận được đơn tố cáo, rồi đã lên kế hoạch xác minh, triệt phá...

Nhưng rồi cũng có câu hỏi khác: có dẹp được triệt để nạn bảo kê, xin đểu này không? Hay khi báo chí lên tiếng, công an vào cuộc thì tội phạm tạm lắng, rồi sau đó lại nổi lên?

Và tại sao không thể ngăn chặn loại tội phạm này từ khi nó mới manh nha, ai làm việc này, người dân gõ cửa nơi nào để phản ảnh, kêu cứu?

Thực tế cho thấy hệ thống chính trị các cấp từ cấp cơ sở ở địa phương đến thị trấn, tỉnh, thành phố đều rất chặt chẽ. Các lực lượng chức năng đều được đầu tư cả về con người lẫn trang thiết bị để trấn áp tội phạm.

Nhiều vụ án lớn, hoạt động tội phạm theo kiểu xã hội đen với những đường dây bảo kê tinh vi, có sự cấu kết của một số cán bộ nhà nước thoái hóa biến chất nhưng bằng sự quyết tâm cao độ, các lực lượng công an đều triệt phá thành công.

Vụ án Năm Cam là một điển hình. Tổ chức tội phạm quy mô lớn, tinh vi còn bị triệt phá, thế tại sao những nhóm côn đồ nhỏ lẻ, lợi dụng sự yếu thế của dân nghèo lại vẫn có đất sống?

Người dân tin tưởng vào chính quyền, vào lực lượng chức năng không chỉ là chiến công từ việc triệt phá các băng nhóm tội phạm lớn, mà còn từ những vụ việc được xem là “nhỏ, lẻ” nhưng đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống “cơm áo gạo tiền” của họ.

Lẽ ra với những đối tượng này, lực lượng chức năng từ tổ dân phố, công an khu vực, chính quyền địa phương đến các cấp cao hơn hoàn toàn có thể ngăn ngừa, chủ động tấn công ngay từ khi chúng manh nha phạm tội.

Và dù là “cá bé” hay “cá lớn” cũng phải xử lý quyết liệt, có thế mới mang lại sự an lành cho mọi người dân.

Võ HồNG QUỳNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên