Hiện mức phạt đối với hành vi xả rác trên đường phố là 300.000-400.000 đồng, nhưng rất ít người bị xử phạt. Trong ảnh: vứt rác bừa bãi ở đường ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (TP.HCM) - Ảnh: H.Khoa |
Cũng như trước, câu hỏi lại được bật lên là ai sẽ xử phạt khi có người vi phạm, bởi không phạt thì chẳng ai sợ để từ đó có thói quen giữ gìn vệ sinh nơi công cộng.
Rõ ràng, người dân có lý khi nêu vấn đề ai sẽ xử phạt để đảm bảo chế tài đúng người vi phạm. Nghị định của Chính phủ đã trao quyền cho nhiều nơi, từ chủ tịch UBND, trưởng công an các cấp... đến thanh tra chuyên ngành cùng có thẩm quyền xử phạt những hành vi trên.
Nhưng thực tế không thể phủ nhận là chẳng có lực lượng nào có thể theo dõi từ sáng đến tối, từ trong nhà ra ngoài ngõ để bắt người xả rác, bỏ tàn thuốc, tiểu tiện không đúng nơi quy định.
Do vậy tăng mức phạt là chưa đủ, mà phải phạt nghiêm mới là yếu tố quyết định để từ đó tác động nhằm thay đổi hành vi, nhận thức của nhiều người trong xã hội đối với việc giữ gìn vệ sinh chung.
Chúng ta không thể kêu gọi chung chung rằng mọi người phải giữ gìn vệ sinh nơi công cộng. Phạt nghiêm, không khoan nhượng mới hi vọng làm thay đổi thói quen xấu.
Muốn vậy, những người được trao quyền hạn xử phạt, từ chủ tịch UBND phường các cấp, trưởng công an các cấp cũng như các cơ quan thực thi pháp luật khác cần phải vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao nhất.
Không thể phủ nhận thời gian qua những người được giao quyền xử phạt còn né tránh, chưa làm hết trách nhiệm, nếu tới đây lại thoái thác, ngại đụng chạm thì đâu vẫn vào đấy.
Bài học của Singapore đã nói lên tất cả. Trước đây tại Singapore, những quy định về xử phạt trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã được thực thi rất nghiêm từ việc phạt tiền, phạt đánh roi nơi công cộng khi người dân vi phạm.
Chỉ có làm nghiêm mới có được một Singapore xanh, sạch, văn minh như bao du khách đã trầm trồ và thán phục ngày hôm nay.
Chúng ta có làm được không? Có. Thực tế ngay tại TP.HCM, TP Hà Nội... và Đà Nẵng đã có nhiều “khu phố không rác” hoặc “khu phố xanh - sạch - đẹp” được tuyên dương, xem như một mô hình điển hình cần nhân rộng.
Có đi vào các con đường tại khu phố 4, phường 6, quận 5, TP.HCM, chúng ta mới cảm nhận được bà con nơi đây có ý thức giữ gìn vệ sinh chung cho môi trường xung quanh như thế nào.
Những con đường sạch sẽ, rác được để gọn gàng đúng nơi quy định cùng những bancông, vỉa hè được trồng xen kẽ cây xanh, cây cảnh tạo cho không gian sống hết sức trong lành, văn minh.
Tương tự, khu phố 2, phường 10, quận 5; rồi khu phố 5, phường Tân Thuận Đông, quận 7 (TP.HCM)... đều là những khu phố không rác, thật đáng sống.
Để các khu phố ấy sạch như ngày hôm nay thì các trưởng khu phố, bí thư chi bộ, các bác, các cô chú cán bộ về hưu... đã phải dành thời gian khá dài đi đến từng gia đình, thuyết phục người dân cùng cam kết xây dựng một môi trường sống không rác, xanh - sạch - đẹp.
Một quy định với mức phạt mới cao hơn phải tạo ra sự thay đổi tích cực, đem lại một môi trường trong lành, sạch cho người dân. Không thể chấp nhận mức phạt cao nhưng chẳng ai sợ, đô thị vẫn nhếch nhác... Đừng ngại phạt.
Phạt nghiêm cùng với vận động, tuyên truyền mọi người cùng chung tay giữ gìn vệ sinh chung, khi đó mới hi vọng có được một không gian sống xanh, sạch hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận