30/09/2014 13:18 GMT+7

​Để không phải xin tiền nhà nước làm phim

TT - Trong lúc các nghệ sĩ “bao cấp” vẫn trông chờ vào ngân sách nhà nước để làm phim thì giới trẻ - dù chưa phải là tất cả - đã tìm ra con đường đi của họ.

Nhà sản xuất phim Paul Welsh làm việc với các bạn trẻ trong khóa học Chào hàng dự án - Ảnh: C.K.
Nhà sản xuất phim Paul Welsh làm việc với các bạn trẻ trong khóa học Chào hàng dự án - Ảnh: C.K.

Ðập cánh giữa không trung của Nguyễn Hoàng Ðiệp vừa có giải ở một trong những liên hoan phim lớn nhất thế giới: Venice. Cha, con và... (Saigon sunny days) của Phan Ðăng Di vừa xong phần quay tiền kỳ, đang làm hậu kỳ bên Pháp. Phim của Ðiệp trước đó cũng kết thúc hậu kỳ ở Pháp, Bi, đừng sợ! của Di cũng tương tự. Cả ba phim này đều không... xin tiền nhà nước.

Và rất nhiều bạn trẻ làm phim đã “thú nhận” kiếm tiền từ nhiều nguồn khác nhau là mong ước của họ để được tự do sáng tạo với phim ảnh.

Luôn có cách để làm điều đó

 

Các nhà làm phim tạm gọi là thế hệ trước như đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, Bùi Thạc Chuyên, Phan Ðăng Di đều hiếm khi giấu “bí quyết” xin tiền. Họ nhiệt tâm tìm cơ hội chia sẻ với các bạn trẻ cách để các quỹ phát triển điện ảnh, các nhà đầu tư mở hầu bao với mình.

Trong khuôn khổ khóa học Chào hàng dự án (Yxine Pitch Fest) vừa diễn ra (từ ngày 22 đến 24-9) tại TP.HCM, 31 bạn trẻ đam mê điện ảnh đã có một cơ hội “vàng” khi gặp gỡ nhà sản xuất phim nổi tiếng người Scotland Paul Welsh (do Hội đồng Anh mời sang VN), được ông lắng nghe các bạn trình bày những dự án đang ấp ủ, cho những lời khuyên cụ thể và thiết thực để tiếp cận được các nguồn tiền cho điện ảnh còn đang tiềm ẩn đâu đó.

Nhận xét về học viên VN, Paul Welsh cho rằng các bạn rất sáng tạo, có vẻ quyết tâm theo đuổi dự án, nhưng theo Paul: “Chào hàng dự án phim là kỹ năng cần có nhiều thời gian để phát triển. Và để có được kỹ năng chào hàng dự án tốt, phải có những trải nghiệm thật sự trong các tình huống chuyên nghiệp và thách thức. Những nhà làm phim trẻ, ít kinh nghiệm không có nhiều cơ hội để làm điều đó”.

PV Tuổi Trẻ trong một cuộc gặp gỡ ngoài lớp học có hỏi Paul Welsh: “Các nhà làm phim đến từ một đất nước như VN thì có lợi thế và bất lợi gì khi tiếp xúc với các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư nước ngoài? Nên trưng ra những gì thú vị để họ sẵn sàng mở hầu bao?”.

Ông bảo: “Khó khăn mà bất kỳ nhà làm phim quốc tế nào cũng phải đối mặt là thị trường phim quốc tế bị thống trị bởi các bộ phim nói tiếng Anh, chứ không phải là các bộ phim nói ngôn ngữ địa phương. Nhưng vẫn có những tổ chức và các quốc gia nhiệt tình hỗ trợ các bộ phim hợp tác."

"Tôi cho rằng mọi người trên thế giới luôn quan tâm, hứng thú với những câu chuyện ở những nơi chốn mà họ chưa từng đặt chân tới, về những nền văn hóa họ chưa từng tiếp xúc và trải nghiệm bởi điều đó thật quyến rũ. Các nhà làm phim vì thế sẽ tìm thấy khán giả của mình và họ sẽ tìm được sự hỗ trợ từ các quốc gia khác để làm bộ phim đó, dù là phim gì thì sẽ luôn có cách để làm điều đó”.

Và sẵn sàng cho các bước tiếp theo

31 nhà làm phim trẻ với dự án phim truyện dài đã được chọn từ hơn 60 hồ sơ gửi đến để tham gia khóa học Chào hàng dự án nói trên. Mười trong số 31 dự án này đã được chọn để tham dự Yxine Pitch Fest, cuộc thi chào hàng dự án (vừa diễn ra chiều 28-9) với ban giám khảo gồm các nhà sản xuất phim Jimmy Nghiêm Phạm (Chánh Phương Phim), Ngọc Hiệp (BHD), Vũ Quỳnh Hà (CJ E&M) và đạo diễn Victor Vũ.

Trước đó, để chuẩn bị cho cuộc thi, 10 nhà làm phim này đã được Paul Welsh và Phan Gia Nhật Linh (YxineFF) cố vấn chuyên sâu cho từng dự án.

Phan Gia Nhật Linh chia sẻ với PV Tuổi Trẻ: “Mười dự án được chọn khá phong phú, bao gồm cả những dự án chiều lòng khán giả cũng như những dự án thể hiện tiếng nói cá nhân độc đáo của nhà làm phim, hoặc nghệ thuật hay rất thương mại."

"Sau khóa học, các bạn đã thể hiện sự tiến bộ trong kỹ năng chào hàng dự án của mình, cũng như hiểu rõ hơn về bộ phim mà các bạn đang muốn phát triển. Vì quan trọng nhất khóa học này là Paul Welsh dạy các bạn hiểu rằng việc chào hàng một dự án không chỉ là chuyện dự án của bạn, mà còn là về chính con người bạn, về cách bạn giới thiệu về bản thân, và sự hiểu biết của nhà làm phim đối với bộ phim của mình." 

"Ban giám khảo gặp nhiều khó khăn trong việc chọn lựa nhưng với ba bạn đoạt giải, dù mỗi dự án đều có những vấn đề riêng thì đều là những dự án có tiềm năng phát triển thành những tác phẩm điện ảnh hay và tươi mới...”.

Và họ - các nhà làm phim trẻ - đã sẵn sàng bước tiếp con đường mình lựa chọn để thể hiện tình yêu với điện ảnh một cách sáng tạo mà không chỉ chăm chăm vào một con đường duy nhất, chờ đợi nguồn ngân sách nhà nước cho những yêu cầu đặt hàng theo mùa lễ lạt.

3 giải Phát triển kịch bản

Lam của Lê Bảo, Hồ Bình An của Huỳnh Thanh Sỹ và Mùa hè 1999 của Nguyễn Lương Diệu Hằng đã đoạt ba giải thưởng Phát triển kịch bản với giá trị tiền mặt 20 triệu đồng cho mỗi dự án, do ba nhà tài trợ là Hãng phim BHD, Công ty CJ E&M và Trường điện ảnh quốc tế Sài Gòn SIFS trao tặng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên